Friday, February 27, 2015

BỆNH GÚT - BỆNH THỐNG PHONG (GOUT) - Do LQT Biên Dịch


ĐIỀU TRỊ: CƠN BỆNH GÚT TẤN CÔNG CẤP TÍNH

Các cơn bệnh gút tấn công cấp tính (đợt phát cấp) và sự điều trị bệnh gút cũng như chứng tăng axit uric huyết đòi hỏi các phương pháp tiếp cận khác nhau.  Sự điều trị thường bao gồm việc sử dụng thuốc.  Sau lần tấn công đầu tiên, một số bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân mang theo thuốc trong người để có thể sử dụng thuốc khi có dấu hiệu bị các triệu chứng của cơn tấn công cấp tính thứ hai.  Cũng có các phương pháp đặc trị cho các chứng bệnh có liên quan đến bệnh gút, bao gồm bệnh thận axit uric (uric acid nephropathy) và sỏi thận axit uric (uric acid nephrolithiasis).

Nhiều bệnh nhân không cần sử dụng thuốc.  Trong thời gian giữa các cơn bệnh gút tấn công, các bệnh nhân được yêu cầu tránh các loại thực phẩm giàu chất purine và duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh.  Bệnh nhân cũng nên tránh tiêu thụ bia rượu và giảm bớt các trường hợp bị stress.

Các phương pháp điều trị các cơn tấn công bệnh gút bằng thuốc thường giúp hạ giảm cơn đau và tình trạng viêm, và nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh gút bao gồm:

-      Các loại thuốc kháng viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – NSAIDs)
-      Colchicine
-      Các loại thuốc Corticosteroid

Các Loại Thuốc Kháng Viêm Không Steroid (NSAIDs)

Các dạng thuốc kháng viêm không steroid mạnh là các loại thuốc được chọn lựa điều trị cơn tấn công cấp tính (đợt phát cấp) cho các bệnh nhân trẻ tuổi và khỏe mạnh, không bị các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt các vấn đề ảnh hưởng đến thận, gan, hoặc tim.

Hiện có nhiều loại thuốc kháng viêm không steroid xuất hiện trên thị trường.  Các loại thuốc kháng viêm không steroid mua không cần toa bác sĩ (over-the-counter) bao gồm:

-      Ibuprofen liều lượng thấp (Motrin IB, Advil, Nuprin)
-      Naproxen (Aleve)
-      Ketoprofen (Actron, Orudis KT)

Các loại thuốc kháng viêm không steroid cần toa bác sĩ (prescription) bao gồm:

-      Ibuprofen (Motrin)
-      Naproxen (Naprosyn, Anaprox)
-      Flurbiprofen (Ansaid)
-      Diclofenac (Voltaren)
-      Tolmetin (Tolectin)
-      Ketoprofen (Orudis, Oruvail)
-      Dexibuprofen (Seractil)
-      Indomethacin (Indocin)

Indomethacin (Indocin) thường là chọn lựa trị liệu đầu tiên cho các bệnh nhân không bị các chứng bệnh làm ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này.  Thông thường, để điều trị một cơn bệnh gút tấn công chỉ cần sử dụng liều cao thuốc indomethacin trong vòng từ 2 đến 7 ngày.  Liều thuốc indomethacin đầu tiên thường bắt đầu có tác dụng chống lại tình trạng đau nhức và viêm trong vòng 24 giờ và thường sớm hơn nhiều.

Ibuprofen, naproxen, sulindac, hoặc các loại thuốc kháng viêm không steroid là các chọn lựa thay thế hợp lý, đặc biệt đối với các bệnh nhân cao tuổi, họ có thể gặp phải tình trạng rối loạn tinh thần hoặc các cảm giác không bình thường khi sử dụng thuốc indomethacin.  (Aspirin là một loại thuốc kháng viêm không steroid, nhưng có liên quan đến nguy cơ cao gây ra bệnh gút, do đó nên tránh sử dụng).

Ngay cả sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng viêm không steroid không cần toa bác sĩ cũng có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như:

-      Loét và xuất huyết đường tiêu hóa
-      Tăng huyết áp – những người bị cao huyết áp, bệnh về mạch máu nghiêm trọng, các vấn đề về thận hoặc gan, và những người đang sử dụng thuốc lợi tiểu phải được quan sát cẩn thận nếu họ cần phải sử dụng thuốc kháng viêm không steroid.
-      Bao tử chậm tiêu hóa, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc.  Những người cao tuổi đặc biệt có nguy cơ.
-      Choáng váng
-      Ù tai
-      Nhức đầu
-      Phát ban ở da
-      Trầm cảm
-      Rối loạn tinh thần hoặc cảm giác không bình thường (ở một số thuốc kháng viêm không steroid mạnh hơn, đặc biệt là indomethacin)
-      Tổn thương thận

Các loại thuốc kháng viêm không steroid có thể gây ra các vấn đề về thận, đặc biệt ở những người cao tuổi và những người bị bệnh thận.  Nếu phát hiện kịp thời, các vấn đề này thường được giải quyết nếu ngưng sử dụng thuốc.  Nếu bệnh nhân phát hiện tình trạng tăng cân hoặc sưng đột ngột, nên báo ngay cho bác sĩ.  Những người bị bệnh thận nên tránh sử dụng các loại thuốc này.

Các bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) đang sử dụng các loại thuốc hypoglycemic uống bằng miệng có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc nếu họ đang uống các loại thuốc kháng viêm không steroid, bởi vì các tương tác gây hại có thể xảy ra giữa các nhóm thuốc này.

Các Tình Trạng Loét Và Xuất Huyết Đường Tiêu Hóa Do Các Loại Thuốc Kháng Viêm Không Steroid Gây Ra.

Sử dụng dài hạn các loại thuốc kháng viêm không steroid thường gây ra loét bao tử.  Tình trạng xuất huyết liên quan đến thuốc kháng viêm không steroid và các vấn đề về bao tử có thể là nguyên nhân dẫn đến 100000 trường hợp nhập viện và trên 15000 trường hợp tử vong mỗi năm.  Vì thường không xuất hiện các triệu chứng đường tiêu hóa do thuốc kháng viêm không steroid gây ra cho đến khi tình trạng xuất huyết bắt đầu, do đó các bác sĩ không thể tiên đoán được bệnh nhân nào uống các loại thuốc này sẽ phát triển tình trạng xuất huyết.

Những người có nguy cơ cao bị xuất huyết liên quan đến thuốc kháng viêm không steroid bao gồm những người cao tuổi, những người có tiền sử bị loét bao tử hoặc xuất huyết đường ruột, các bệnh nhân có các chứng bệnh tim nghiêm trọng, những người uống quá nhiều bia rượu, hoặc những người đang sử dụng một số loại thuốc, như các loại thuốc làm loãng máu (anticoagulants), các loại thuốc corticosteroid, hoặc các loại thuốc bisphosphonate (các loại thuốc này được dùng điều trị chứng loãng xương).

Ngăn Ngừa Các Tình Trạng Loét Bao Tử Liên Quan Đến Thuốc Kháng Viêm Không Steroid.  Chuyển sang sử dụng các loại thuốc giảm đau thay thế là bước đầu tiên trong việc ngăn ngừa hoặc chữa lành tình trạng loét bao tử do thuốc kháng viêm không steroid gây ra.  Nếu bệnh nhân không thể thay đổi thuốc, thì họ nên sử dụng thuốc kháng viêm không steroid với liều lượng thấp nhất nếu có thể.

Ngoài ra, có nhiều loại thuốc có thể giúp ngăn ngừa tình trạng loét bao tử ở những người cần phải sử dụng thuốc kháng viêm không steroid.  Thuốc ức chế bơm proton (Proton-pump inhibitors – PPI) là chọn lựa đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng loét bao tử ở các cá nhân có nguy cơ cao.  Các loại thuốc này được chứng minh là có thể làm giảm tỉ lệ loét bao tử do thuốc kháng viêm không steroid khoảng 80% so với các trường hợp không sử dụng thuốc.  Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (AcipHex), và pantoprazole (Protonix).  Prevacid là thuốc ức chế bơm proton đặc biệt được chấp thuận sử dụng để bảo vệ chống lại tình trạng loét bao tử ở những người sử dụng thuốc kháng viêm không steroid thường xuyên.

Arthrotec là một loại kết hợp của thuốc chống loét bao tử misoprostol và thuốc kháng viêm không steroid diclofenac.  Thuốc này cũng có thể làm giảm nguy cơ bị xuất huyết đường ruột.  Tuy nhiên, thuốc này có thể gây ra tình trạng sẩy thai, do đó các phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai không nên sử dụng.

Colchicine

Colchicine được chế biến từ hoa nghệ tây (autumn crocus hoặc meadow saffron).  Thuốc này đã được sử dụng hàng thế kỷ nay để chống lại các cơn bệnh gút tấn công.  Thuốc này rất hiệu quả, mặc dù nó không còn là loại thuốc được chọn lựa đầu tiên để điều trị, bởi vì nó thường có tác dụng phụ, gây khó chịu, và thỉnh thoảng rất nghiêm trọng.

Colchicine có thể được chỉ định cho người thành niên khỏe mạnh sử dụng trong vòng 48 giờ sau cơn bệnh gút tấn công.  Các bệnh nhân cao tuổi hoặc những người có các rối loạn về thận, gan, hoặc tủy xương không nên sử dụng loại thuốc này.  Nó cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, do đó không nên sử dụng trong thời gian mang thai.  Thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ ở đường ruột khi sử dụng liều lượng cao, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, và vọp bẻ bụng.  Sử dụng liều lượng thấp sẽ không tạo ra nguy cơ cao bị các triệu chứng ở đường ruột, và có thể ngăn ngừa các cơn bệnh tấn công trong tương lai, bao gồm các cơn tấn công ở các bệnh nhân đang bắt đầu sử dụng các loại thuốc chống tăng axit uric huyết.

Colchicine có thể được uống bằng miệng hoặc được truyền qua tĩnh mạch.  Những người uống thuốc bằng miệng cần phải uống thuốc mỗi giờ cho đến khi các triệu chứng được cải thiện hoặc các tác dụng phụ phát triển.  Dấu hiện cải thiện sẽ xuất hiện khi uống đến liều thứ 10.  Thuốc này thường làm cho cơn đau biến mất trong vòng 48 giờ.  Tuy nhiên, truyền thuốc này qua tĩnh mạch sẽ xuất hiện một số tác dụng phụ và tạo ra nguy cơ gia tăng bị tổn thương thận, gan, hệ thần kinh trung ương, và tủy xương.

Thuốc kháng sinh erythromycin, hoặc các thuốc chặn H2 như famotidine (Pepcid AC), cimetidine (Tagamet), hoặc ranitidine (Zantac) có thể làm tăng các tác dụng phụ ở đường ruột của thuốc colchicine.

Lưu Ý Cảnh Báo: Sử dụng thuốc colchicine quá liều có thể rất nguy hiểm, đã có báo cáo về tử vong.  Thuốc này cũng có thể ức chế khả năng sản sinh tế bào máu cũng như gây tổn thương cơ và thần kinh ở một số người, thỉnh thoảng ngay cả ở những người không sử dụng liều lượng cao.

Các Loại Thuốc Corticosteroid

Các loại thuốc corticosteroid có thể được sử dụng ở các bệnh nhân không thể dung nạp các loại thuốc kháng viêm không steroid, và các loại thuốc này có thể rất có lợi cho các bệnh nhân cao tuổi.  Tiêm thuốc vào một khớp bị ảnh hưởng có thể làm thuyên giảm cơn đau cho nhiều bệnh nhân, nhưng cách tiêm thuốc này có thể không hữu hiệu đối với các bệnh nhân bị viêm nhiều khớp.  Các loại thuốc steroid uống bằng miệng có thể được sử dụng cho các bệnh nhân không thể dùng thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc colchicine và các bệnh nhân bị bệnh gút ở nhiều khớp.  Các loại thuốc corticosteroid bao gồm triamcinoloneprednisone.




0 comments:

Post a Comment