THỂ DỤC VÀ TRỊ LIỆU VẬT LÝ
Vai Trò của Trị Liệu Vật Lý
Trị liệu vật lý với một chuyên gia được đào tạo có thể rất hữu hiệu nếu cơn đau không cải thiện sau 3 đến 4 tuần. Điều quan trọng cho bất cứ ai bị đau lưng mãn tính là nên có một chương trình thể dục. Các chuyên gia, là những người hiểu biết về các giới hạn và các nhu cầu cần thiết của chứng đau lưng, và có thể xác định tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, phải là người hướng dẫn chương trình này. Có một nghiên cứu đã cho thấy rằng các bệnh nhân tự lên kế hoạch tập thể dục đã không cải thiện được nhiều so với những người tiếp nhận trị liệu vật lý hoặc các chương trình do các bác sĩ hướng dẫn.
Trị liệu vật lý thường bao gồm các hoạt động sau:
- Giáo dục và huấn luyện bệnh nhân cử động đúng cách
- Các bài tập thể dục giúp bệnh nhân giữ cho cột sống ở các vị trí thăng bằng trong các hoạt động hàng ngày.
Các cử động không đúng cách hoặc hoạt động thể dục có tính va chạm mạnh dài hạn thường là nguyên nhân gây ra đau lưng đầu tiên. Những người dễ bị đau lưng nên tránh các hoạt động mà có quá nhiều áp lực lên thắt lưng hoặc đòi hỏi các động tác xoay đột ngột, chẳng hạn như chơi bóng cà na, đánh gôn, vũ ba lê, và cử tạ.
Thực hiện các hoạt động thể dục sau khi làm thủ thuật cắt bỏ đĩa gian khớp (diskectomy) đơn giản xem ra không có lợi theo thời gian.
Bài tập thể dục đặc biệt và thường xuyên dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia được đào tạo sẽ rất quan trọng cho việc giảm đau và cải thiện chức năng hoạt động, mặc dù rằng bệnh nhân thường cảm thấy khó khăn để duy trì tiến trình trị liệu.
Thể Dục và Chứng Đau Lưng Cấp Tính hoặc Bán Cấp
Thể dục không giúp được gì cho chứng đau lưng cấp tính. Thật vậy, quá gắng sức có thể gây hại thêm. Tuy nhiên, bắt đầu một chương trình khôi phục chức năng sau 4 – 8 tuần bị đau lưng có thể có lợi cho bệnh nhân.
Một chương trình thể dục aerobic (cải thiện lượng oxy tiêu thụ) tăng dần (như đi bộ, đạp xe trên máy, và bơi lội) có thể bắt đầu trong vòng 2 tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng. Chạy chậm (đi bộ nhanh) thường không được khuyến khích, ít nhất là cho đến khi cơn đau đã biến mất và các cơ đã khỏe mạnh hơn.
Standing leg curl: Tập đùi sau trong tư thế đứng
Bệnh nhân nên tránh các bài tập thể dục làm cho thắt lưng chịu áp lực cho đến khi nào các cơ ở lưng hoàn toàn được hồi phục. Các bài tập thể dục này bao gồm nâng đùi trong tư thế nằm úp mặt xuống dưới, ngồi lên chân duỗi thẳng (straight leg sit-ups), và các bài tập đùi sau (leg curls) trên máy.
Trong tất cả các trường hợp, bệnh nhân không bao giờ nên tự ép mình tập thể dục nếu làm như vậy có thể sẽ làm tăng cơn đau.
Thể Dục và Chứng Đau Lưng Mãn Tính
Thể dục đóng một vai trò có lợi cho chứng đau lưng mãn tính. Việc lập lại các bài tập thể dục là chìa khóa để gia tăng tính linh hoạt, tạo nên sức chịu đựng, và tăng cường các cơ bắp đặc biệt cần thiết cho việc hỗ trợ và tạo nên sự cân bằng cho cột sống. Việc tập thể dục nên được xem là một phần của một chương trình ở diện rộng để quay trở lại với các hoạt động bình thường tại nhà, nơi làm việc, và xã hội. Bằng cách này, các lợi ích tích cực của việc tập thể dục không chỉ ảnh hưởng đến sức bền và tính linh hoạt, mà còn thay đổi và cải thiện thái độ của bệnh nhân đối với tình trạng mất khả năng hoạt động cũng như đối với cơn đau của họ. Thể dục cũng có thể rất hiệu quả khi được kết hợp với một chương trình tâm lý và tạo động cơ, chẳng hạn như trị liệu hành vi nhận thức (Một phương pháp trị liệu tâm lý có tính kết cấu cao được sử dụng để thay đổi các thái độ lệch lạc và các hành vi có vấn đề bằng cách xác định và thay thế các suy nghĩ sai lầm tiêu cực và thay đổi sự củng cố tích cực cho các hành vi).
Có nhiều hình thức tập thể dục khác nhau cho chứng đau lưng. Các môn thể dục kéo giãn (stretching exercises) là thích hợp nhất cho việc giảm đau, trong khi đó các bài tập thể lực có hiệu quả tốt nhất cho việc cải thiện chức năng hoạt động.
Các môn thể dục cho chứng đau lưng bao gồm:
- Các Môn Thể Dục Aerobic Có Tính Va Chạm Thấp. Các môn thể dục aerobic có tính va chạm thấp, như bơi lội, đạp xe, và đi bộ có thể làm chắc các cơ ở bụng và lưng mà không làm kéo căng quá mức phần lưng. Các chương trình sử dụng các môn tập thể lực trong lúc bơi lội có thể là một phương pháp tiếp cận đặc biệt có lợi cho nhiều bệnh nhân bị chứng đau lưng. Có nghiên cứu y học đã cho thấy rằng những phụ nữ mang thai tham gia vào một chương trình thể dục dưới nước thì sẽ ít bị đau lưng hơn và có thể tiếp tục làm việc lâu hơn.
- Huấn Luyện Sức Bền và Tính Ổn Định của Cột Sống. Các môn thể dục được gọi là huấn luyện sức bền kéo giãn thắt lưng đang chứng tỏ mang lại hiệu quả. Thông thường, các môn thể dục này cố gắng làm chắc vùng bụng, cải thiện tính cơ động của vùng thắt lưng, sức bền, và mức độ chịu đựng, và làm gia tăng tính linh hoạt của vùng hông, các cơ đùi sau, và các gân đùi sau.
- Yoga, Thái Cực Quyền, Khí Công. Các môn này xuất phát ở Châu Á, là sự kết hợp giữa các chuyển động của cơ thể mang tính ít va chạm và sự thiền định, có thể rất hữu ích. Các môn này được thiết kế để đạt được trạng thái cân bằng về thể lý và tinh thần và có thể rất hữu ích trong việc ngăn ngừa sự tái phát của chứng đau thắt lưng.
- Các Môn Thể Dục Rèn Luyện Sự Dẻo Dai. Các môn thể dục rèn luyện tính dẻo dai có thể giúp giảm đau. Một bài tập kéo giãn có thể có hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với các môn tập thể lực khác.
Các Bài Tập Thể Dục Đặc Biệt Giúp Cho Thắt Lưng Khỏe Mạnh
Ngồi Lên Không Hoàn Toàn (Partial Sit-ups). Ngồi lên không hoàn toàn là bài tập có tác dụng làm chắc các cơ bụng.
- Nằm hướng mặt lên, nâng 2 đầu gối lên và 2 bàn chân chạm đất, sau đó nâng vai lên khỏi mặt đất khoảng 3 – 6 inch (7,62 cm – 15,24 cm).
- Thở ra khi nâng vai lên, và hít vào khi hạ vai xuống.
- Thực hiện bài tập này một cách chậm rãi khoảng 8 – 10 lần và đặt chéo tay trên ngực.
Nghiêng Khung Chậu (Pelvic Tilt). Bài tập nghiêng khung chậu có tác dụng làm dịu bớt các cơ ở thắt lưng bị kéo căng hoặc bị mỏi.
- Nằm hướng mặt lên với tư thế nâng 2 đầu gối lên và 2 bàn chân chạm đất.
- Căng vùng mông và bụng để có thể nghiêng 2 phần này lên một chút.
- Đè phần thắt lưng xuống mặt đất, giữ khoảng 1 giây, rồi thả lỏng.
- Nhớ phải hít thở đều đặn.
Gia tăng cường độ bài tập này theo thời gian cho đến khi có thể giữ được 5 giây. Sau đó, duỗi chân ra một chút để cho bàn chân cách xa cơ thể và thử tập lại lần nữa.
Kéo Giãn Các Cơ ở Thắt Lưng (Stretching Lower-Back Muscles). Sau đây là 3 bài tập kéo giãn vùng thắt lưng:
- Nằm hướng mặt lên, nâng 2 đầu gối lên và hai chân ép sát nhau. Giữ hai cánh tay ở 2 bên, chậm rãi nghiêng hai đầu gối qua một bên cho đến khi hoàn toàn thả lỏng. Giữ tư thế này trong khoảng 20 giây (trong khi vẫn thở đều đặn) và sau đó lập lại động tác này theo hướng bên kia.
- Nằm hướng mặt lên, dùng tay giữ một đầu gối rồi kéo nhẹ về phía ngực. Giữ khoảng 20 giây. Lập lại động tác này dùng đầu gối bên kia.
- Với tư thế quỳ chống bằng hai tay và hai đầu gối, nâng và duỗi thẳng tay phải và chân trái lên cùng lúc. Giữ khoảng 3 giây trong khi đó căng cơ bụng. Phải giữ cho lưng thẳng. Thay đổi với tay trái và chân phải, rồi lập lại động tác cho mỗi bên khoảng 8 – 20 lần.
Lưu ý: Những người bị đau vùng thắt lưng KHÔNG nên thực hiện các bài tập thể dục đòi hỏi cúi người xuống ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng. Vào thời điểm đó, các đĩa đệm đốt sống chứa nhiều chất lỏng hơn và dễ bị áp lực do vận động kiểu này.
0 comments:
Post a Comment