ĐIỀU TRỊ
Cho đến gần đây, phương pháp điều trị đột quỵ chỉ giới hạn vào việc chăm sóc bệnh nhân tạm thời vào lúc xảy ra cơn đột quỵ và việc hồi phục sức khỏe sau đó. Tuy nhiên, hiện nay các phương pháp điều trị có thể có lợi nếu được thực hiện ngay sau khi cơn đột quỵ bắt đầu. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện và được chẩn đoán ngay tức khắc. Việc đánh giá ban đầu và chăm sóc cho bệnh nhân bị đột quỵ được tiến hành theo một số bước.
Việc tiếp nhận điều trị sớm là rất cần thiết để giảm bớt thương tổn do cơn đột quỵ gây ra. Cơ hội sống sót và hồi phục cũng đạt tỉ lệ cao nhất nếu được điều trị ở bệnh viện, đặc biệt bệnh viện được xác nhận là trung tâm điều trị đột quỵ hàng đầu.
Điều Trị Cơn Đột Quỵ Do Thiếu Máu Cục Bộ
Việc điều trị tức khắc cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ tập trung vào việc hòa tan huyết khối. Các bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu với các dấu hiệu bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính thường được cho sử dụng thuốc aspirin để giúp làm loãng máu. Aspirin có thể gây nguy hiểm cho các bệnh nhân bị cơn đột quỵ do xuất huyết, do đó tốt nhất là bệnh nhân không nên sử dụng thuốc aspirin ở nhà mà phải chờ cho đến khi bác sĩ xác định dạng đột quỵ đã xảy ra.
Nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong vòng 3 giờ sau khi cơn đột quỵ bắt đầu (khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện), thì họ có thể được trị liệu bằng thuốc tiêu huyết khối. Các loại thuốc tiêu huyết khối (thrombolytic drugs) được sử dụng để phá hủy các huyết khối đang hiện diện. Các loại thuốc tiêu huyết khối tiêu chuẩn là các tác nhân chuyển hóa plasminogen (tissue plasminogen activator_t-PA). Các loại thuốc này bao gồm alteplase (Activase) và reteplase (Retavase).
Các bước sau đây rất quan trọng trước khi tiêm thuốc tiêu huyết khối:
- Trước khi sử dụng thuốc tiêu huyết khối, đầu tiên cần phải chụp CT để chứng thực cơn đột quỵ không do xuất huyết. Nếu cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, thì việc chụp CT cũng có thể cho thấy các chấn thương có nghiêm trọng không, mà có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng các loại thuốc tiêu huyết khối.
- Các loại thuốc tiêu huyết khối có thể được sử dụng trong vòng 3 giờ sau cơn đột quỵ để có được hiệu quả. Nếu bệnh nhân được trị liệu trong vòng 90 phút sau cơn đột quỵ thì sẽ có được kết quả tốt nhất.
Các loại thuốc tiêu huyết khối (thrombolytics) tạo ra nguy cơ xuất huyết, do đó các loại thuốc này không thích hợp cho các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết.
Điều Trị Cơn Đột Quỵ Do Xuất Huyết
Việc điều trị đôt quỵ do xuất huyết phụ thuộc phần nào vào nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ: xuất huyết trong khoang giữa não và hộp sọ (subarachnoid hemorrhage) hoặc xuất huyết bên trong mô não (intracerebral hemorrhage). Cả hai phương pháp, sử dụng thuốc và phẫu thuật, có thể được sử dụng.
Sử Dụng Thuốc. Có nhiều loại thuốc khác nhau được cho bệnh nhân sử dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết. Nếu nguyên nhân là cao huyết áp, thì các loại thuốc chống cao huyết áp (antihypertensive medications) được chỉ định sử dụng để hạ huyết áp. Các loại thuốc kháng đông (anticoagulant medications), chẳng hạn như warfarin (Coumadin) hoặc heparin, là nguyên nhân, thì bác sĩ sẽ ngưng cho sử dụng các loại thuốc này ngay tức khắc và có thể cho sử dụng các loại thuốc khác để hỗ trợ tiến trình đông máu. Các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc chặn kênh canxi nimodipine (Nimotop) có thể giúp giảm bớt nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ theo sau cơn đột quỵ do xuất huyết.
Phẫu Thuật. Phẫu thuật có thể được thực hiện cho các trường hợp phình mạch hoặc hình thành các kết cấu bất thường liên kết động mạch và tĩnh mạch (arteriovenous malformations) mà đang bị xuất huyết. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng thủ thuật mở hộp sọ (craniotomy), đó là tiến hành cắt mở xương sọ. Ngoài ra, các phương pháp ít xâm lấn hơn cũng có thể được thực hiện bằng cách đưa ống thông vào. Một ống thông được dẫn qua một vết rạch nhỏ ở vùng háng đến một động mạch, rồi sau đó đến các mạch máu nhỏ trong não nơi xuất hiện chỗ phình mạch. Các dây kim loại mỏng được đưa vào chỗ phình mạch. Các dây kim loại này sau đó được cuộn lại thành một khối tròn. Các huyết khối hình thành xung quanh khối tròn kim loại này sẽ ngăn chỗ phình mạch bị vỡ ra và xuất huyết. Nếu chỗ phình mạch bị vỡ ra, thì bác sĩ sẽ dùng kẹp bấm lại để ngăn máu chảy thêm vào não.
Quản Lý Các Biến Chứng Đột Quỵ
Trong những ngày sau khi xảy ra cơn đột quỵ, các bệnh nhân sẽ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Các bước sau đây sẽ rất quan trọng:
Duy Trì Lưu Lượng Oxy Đầy Đủ. Điều quan trọng là phải duy trì lưu lượng oxy. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được thông khí đường hô hấp. Trị liệu oxy (supplemental oxygen) cũng có thể cần thiết cho các bệnh nhân có các kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng oxy trong máu thấp.
Quản Lý Tình Trạng Sốt. Tình trạng sốt phải được theo dõi và được điều trị bằng thuốc với liều tấn công, vì sự xuất hiện của tình trạng này sẽ dự đoán một triển vọng xấu.
Đánh Giá Chức Năng Nuốt. Bệnh nhân phải được kiểm tra chức năng nuốt trước khi họ được cho phép ăn, uống, hoặc sử dụng thuốc uống bằng miệng. Nếu bệnh nhân không thể nuốt, thì họ có nguy cơ bị nghẹt thở. Các bệnh nhân mà không thể tự nuốt thì họ có thể cần phải được truyền chất dinh dưỡng và chất lỏng qua tĩnh mạch hoặc qua một ống được đặt trong mũi.
Duy Trì Chất Điện Phân. Duy trì sự cân bằng chất điện phân (tỉ lệ natri, canxi, và kali trong dung dịch máu) có lợi cho sức khỏe là điều rất quan trọng.
Kiểm Soát Huyết Áp. Quản lý huyết áp là điều rất cần thiết và có diễn biến phức tạp. Huyết áp thường giảm xuống một cách tự phát trong vòng 24 giờ đầu tiên sau cơn đột quỵ. Các bệnh nhân có huyết áp tiếp tục gia tăng nên được điều trị với các loại thuốc chống cao huyết áp.
Theo Dõi Áp Suất Não Tăng Cao. Nhân viên bệnh viện nên quan sát cẩn thận chứng cứ cho thấy áp suất tăng cao ở não (cerebral edema), một biến chứng thường xuất hiện của các cơn đột quỵ do xuất huyết. Biến chứng này thường xuất hiện một vài ngày sau các cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra. Các triệu chứng ban đầu của tình trạng áp suất não tăng cao là tình trạng uể oải, rối loạn tinh thần, trạng thái hôn mê, đuối sức, và đau đầu. Các loại thuốc như mannitol có thể được cho bệnh nhân sử dụng trong khi xảy ra cơn đột quỵ để giảm áp suất hoặc giảm nguy cơ bị tăng áp suất.
Giữ cho phần trên của cơ thể cao hơn phần dưới, chẳng hạn như nâng đầu giường lên, có thể giúp giảm áp suất trong não và là phương pháp tiêu chuẩn cho các bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, phương pháp này thông thường cũng giúp giảm huyết áp, mà tình trạng này có thể rất nguy hiểm cho các bệnh nhân bị đột quỵ nghiêm trọng.
Quan Sát Tim. Bệnh nhân phải được theo dõi tim bằng cách sử dụng các đồ thị điện tim để kiểm tra phát hiện chứng rung tâm nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác. Các bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sau cơn đột quỵ.
Kiểm Soát Lượng Đường Trong Máu. Mức đường trong máu tăng cao có thể xảy ra với cơn đột quỵ nghiêm trọng và có thể là một dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng. Bệnh nhân có lượng đường trong máu cao có thể cần đến trị liệu insulin.
Theo Dõi Tình Trạng Đông Máu. Các kiểm tra thường xuyên về quá trình đông máu là điều rất quan trọng để đảm bảo rằng máu không quá đặc (gây huyết khối) cũng như không quá loãng (gây xuất huyết).
Kiểm Tra Tình Trạng Nghẽn Tĩnh Mạch Dưới. Tình trạng nghẽn tĩnh mạch dưới (deep venous thrombosis) là chứng huyết khối trong các tĩnh mạch ở bắp đùi hoặc bắp chuối. Đây có thể là một biến chứng hậu đột quỵ nghiêm trọng vì có nguy cơ huyết khối tách ra và di chuyển lên não hoặc tim. Tình trạng nghẽn tĩnh mạch dưới cũng có thể gây ra chứng nghẽn mạch phổi (pulmonary embolism) nếu huyết khối di chuyển đến phổi. Nếu cần thiết, thuốc kháng đông (anticoagulant drug) chẳng hạn như heparin có thể được cho sử dụng, nhưng phương pháp này sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết. Bệnh nhân đã từng bị một cơn đột quỵ cũng có nguy cơ bị nghẽn mạch phổi.
Ngăn Ngừa Nhiễm Trùng. Bệnh nhân đã từng bị một cơn đột quỵ có nhiều nguy cơ bị viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, và các bệnh nhiễm trùng lây truyền khác.
0 comments:
Post a Comment