CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN
Nguồn gốc của cơn đau thường khó nhận ra, và các phương pháp xét nghiệm bằng hình chụp có thể không xác định được nguyên nhân. Chứng bệnh về đĩa đệm, thấp khớp cột sống, và các tình trạng co cứng cơ được chẩn đoán là các nguyên nhân phổ biến nhất. Tuy nhiên, các chứng bệnh khác cũng có thể gây đau lưng.
Các Chấn Thương Và Sự Kéo Căng Cơ và Dây Chằng ở Vùng Thắt Lưng
Sự kéo căng và chấn thương các cơ cũng như các dây chằng hỗ trợ cho lưng là các nguyên nhân chính gây ra chứng đau lưng. Cơn đau nhức thường lan ra các cơ gần cột sống, và có thể có liên quan đến những sự co cứng của các cơ này. Cơn đau có thể di chuyển xuống vùng mông nhưng hiếm khi lan xuống chân.
Chứng Đau Thần Kinh Tọa
Dây thần kinh tọa (sciatic nerve) là dây thần kinh lớn nhất bắt nguồn từ vùng thắt lưng.
- Nó hình thành gần cột sống và được cấu tạo từ các nhánh đầu dây thần kinh cột sống thắt lưng.
- Nó di chuyển qua khung chậu và rồi đi sâu vào mỗi bên mông.
- Rồi nó di chuyển xuống mỗi bên chân. Nó là dây thần kinh đơn dài nhất và lớn nhất trong cơ thể.
Chứng đau thần kinh tọa không phải là một quá trình chẩn đoán bệnh mà là một sự mô tả các triệu chứng. Bất cứ tình trạng nào tạo áp lực lên một hoặc nhiều đầu dây thần kinh ở thắt lưng có thể gây ra đau nhức ở một số đoạn hoặc toàn bộ dây thần kinh tọa. Chứng thoát vị đĩa đệm (herniated disk), chứng hẹp cột sống (spinal stenosis), bệnh thoái hóa đĩa đệm (degenerative disc disease), trượt đốt sống (spondylolisthesis), hoặc các bất thường của đốt sống đều có thể gây ra áp lực lên dây thần kinh tọa.
Một vài trường hợp đau thần kinh tọa có thể xảy ra khi một cơ bắp nào đó ở bên trong phần mông đè lên dây thần kinh tọa. Phần cơ này được gọi là cơ hình trái lê (piriformis = “pirium: trái lê” + “forma: hình dáng”). Chứng bệnh liên quan được gọi là hội chứng cơ hình lê (piriformis syndrome). Hội chứng cơ hình lê thường phát triển sau khi bị chấn thương. Hội chứng này đôi khi rất khó chẩn đoán.
Sciatic nerve: Dây thần kinh tọa
Pain from sciatica radiates from the buttock down the leg and can travel as far as the feet and toes: Cơn đau do chứng đau thần kinh tọa lan tỏa từ mông xuống chân và có thể di chuyển xuống tận bàn chân và ngón chân.
Dây thần kinh chính di chuyển xuống chân là dây thần kinh tọa. Cơn đau có liên quan đến dây thần kinh tọa thường bắt đầu khi các đầu dây thần kinh ở tủy sống bị đè nén hoặc bị tổn thương. Các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác bị châm nhẹ trong da, tình trạng bị tê, hoặc cơn đau lan tỏa xuống mông, chân, và bàn chân.
Bị đau nhức hay bị tê do chứng đau thần kinh tọa có thể biến đổi khá rộng. Có thể có cảm giác bị châm nhẹ trong da, đau âm ỉ, hoặc cảm giác như bị đau rát. Trong một số trường hợp, cơn đau nghiêm trọng đến nỗi có thể gây ra tình trạng bất động.
Cơn đau rất thường xảy ra ở một bên cơ thể và có thể lan tỏa xuống mông, chân, và bàn chân. Một số người bị đau nhói ở một phần của chân hoặc hông và bị tê ở các phần khác. Bên phía chân bị ảnh hưởng có thể có cảm giác đuối sức.
Cơn đau nhức thường bắt đầu một cách chậm chạp. Cơn đau thần kinh tọa có thể trở nặng hơn:
- Vào ban đêm
- Sau khi đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài
- Lúc hắt hơi, ho, hoặc cười.
- Sau khi ngửa người ra phía sau hoặc sau khi đi bộ hơn 50 – 100 yard (khoảng 46 – 92 mét) (đặc biệt là nếu cơn đau do chứng thu hẹp cột sống gây ra – xem bên dưới)
Cơn đau thần kinh tọa thường biến mất trong vòng 6 tuần, trừ phi có các chứng bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn khác. Cơn đau nhức mà kéo dài hơn 30 ngày, hoặc trở nặng khi ngồi, ho, hắt hơi hoặc cơ bị kéo căng có thể cho thấy dấu hiệu hồi phục lâu hơn. Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng đau thần kinh tọa.
Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm, thỉnh thoảng (không chính xác) được gọi là trượt đĩa, là một nguyên nhân phổ biến gây ra cơn đau buốt ở lưng và chứng đau thần kinh tọa. Đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị thoát vị khi nó bị nứt hoặc bị mỏng đi, và thoái hóa đến mức độ mà lớp thạch trong đĩa đệm bị đẩy tràn ra bên ngoài. Đĩa đệm bị tổn thương có nhiều hình dạng:
- Tình trạng sưng lồi ra (a bulge) – Thạch đệm bị đẩy tràn ra khỏi đĩa đệm một ít và được phân phối đều xung quanh chu vi đĩa đệm.
- Tình trạng nhô ra (protrusion) – Thạch đệm bị đẩy ra một ít và không cân xứng vào những nơi khác nhau.
- Tình trạng bị đùn ra (extrusion) – Thạch đệm phồng to lên như quả bóng tràn vào khu vực nằm bên ngoài các đốt sống hoặc khu vực bị gãy rời khỏi đĩa đệm.
Cơn đau nhức ở chân có thể nặng hơn cơn đau ở lưng đối với các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm. Cũng có một số tranh cãi về cách thức cơn đau phát triển ở chứng thoát vị đĩa đệm và tính thường xuyên của sự đau nhức ở phần thắt lưng mà căn bệnh này gây ra. Có nhiều người có các đĩa đệm bị sưng lồi hoặc nhô ra nhưng không bị đau lưng. Đĩa đệm bị đùn ra (ít phổ biến hơn hai tình trạng kia) liên quan rất lớn đến chứng đau lưng, vì thạch đệm có khuynh hướng tràn ra xa đủ để đè lên đầu dây thần kinh, thường là dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, đĩa đệm bị đùn ra thường rất ít phổ biến, trong khi đó thì chứng đau thần kinh tọa và đau vùng thắt lưng rất phổ biến. Nhưng cũng có thể có các nguyên nhân khác gây ra đau ở thắt lưng.
Các Bất Thường ở Vành Ngoài Đĩa Đệm. Nghiên cứu cũng tập trung vào những vết rách ở vòng ngoài đĩa đệm, là băng sợi bao quanh và bảo vệ đĩa đệm. Vành ngoài đĩa đệm chứa một mạng lưới thần kinh dầy đặc và hàm lượng cao peptit mà làm gia tăng sự cảm nhận của cơn đau nhức. Những vết rách ở vành ngoài đĩa đệm thường được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc chứng thoái hóa đĩa đệm. Một số trường hợp bị đau vùng thắt lưng mãn tính cũng có thể bị gây ra bởi tình trạng các sợi thần kinh mọc vào hướng bên trong của vành ngoài đĩa đệm, điều này tạo nên cơn đau nhức trong đĩa đệm.
Hội chứng đuôi ngựa. Hội chứng đuôi ngựa (cauda equina syndrome) là tình trạng các dây thần kinh đuôi ngựa bị đè nén (là bốn sợi bện gồm các dây thần kinh đi qua phần dưới cùng của cột sống). Nguyên nhân là do khối đùn thạch đệm khá lớn ở đĩa đệm. Hội chứng đuôi ngựa là một tình trạng nguy hiểm mà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến ruột hoặc các chức năng của bàng quang (bọng đái). Nó có thể gây ra tình trạng vĩnh viễn không kiềm chế được các chức năng bài tiết (permanent incontinence) nếu không được giải phẫu kịp thời. Các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa bao gồm:
- Đau lưng nhẹ
- Đau hoặc tê ở vùng mông, khu vực giữa hai chân, hoặc ở phần đùi trong, đùi sau, hoặc bàn chân; có thể gây vấp ngã hoặc đứng không vững
- Mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu và đi tiêu
- Cơn đau nhức đi kèm với cơn sốt (có thể cho thấy bị nhiễm bệnh)
Bệnh Thoái Hóa Đĩa Đệm Thắt Lưng/Thái Hóa Đốt Sống
Bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis) xảy ra ở các khớp cột sống, thường là do lớn tuổi, nhưng cũng là do ảnh hưởng của các chấn thương ở lưng trước đây, tổn thương và hư hại nặng, trước đây bị thoát vị đĩa đệm, đã từng tiếp nhận phẫu thuật, và bị gãy (nứt) xương. Phần sụn nằm giữa các khớp cột sống bị hủy hoại và xuất hiện tình trạng mọc thêm xương phụ và gai. Tốc độ của các thay đổi này tiến triển tùy theo từng cá nhân. Hậu quả của các thay đổi này là cột sống bị mất linh hoạt, các khoảng không giành cho các giây thần kinh ở cột sống và tủy sống bị thu hẹp lại, các đĩa đệm ở cột sống bị khô cứng hoặc thoái hóa. Tùy thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng và tình trạng bị ảnh hưởng của cột sống, các triệu chứng có thể tương tự như của tình trạng đĩa đệm bị thoát vị, tình trạng kéo căng ở thắt lưng, chứng hẹp cột sống (tình trạng ống cột sống bị thu hẹp).
Chứng Hẹp Cột Sống
Chứng hẹp cột sống (spinal stenosis) là tình trạng thu hẹp ống tủy sống, hoặc thu hẹp phần miệng (được gọi là lỗ thần kinh) nơi mà các dây thần kinh cột sống xuất phát từ cột sống đi đến những cơ quan khác trong cơ thể. Tình trạng này thường phát triển khi một người trở nên có tuổi và các đĩa đệm bị khô đi và bắt đầu teo lại. Vào cùng thời điểm đó, xương và dây chằng ở cột sống sưng lên hoặc phát triển lớn hơn do bị viêm khớp và viêm mãn tính. Tuy nhiên, các chứng bệnh khác, như nhiễm trùng và dị tật bẩm sinh, thỉnh thoảng có thể gây ra chứng hẹp cột sống.
Đa số các bệnh nhân sẽ báo cáo tình trạng đau lưng trước đây càng ngày càng xấu đi. Đối với một số khác, thì trước đây có thể ít bị đau lưng, nhưng vào một thời điểm nào đó, bất cứ sự chấn thương nào, chẳng hạn như một sự thương tổn nhẹ mà làm đĩa đệm bị sưng tấy, cũng có thể gây tác động đến đầu dây thần kinh và tạo ra cơn đau nhức.
Các bệnh nhân có thể gặp phải cơn đau hoặc bị tình trạng tê, mà có thể xảy ra ở cả hai chân, hoặc chỉ một bên chân. Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác bị đuối sức hoặc nặng nề ở phần mông và chân. Các triệu chứng thường xuất hiện và trở nặng thêm khi người bệnh đứng hoặc đi bộ. Thông thường các triệu chứng sẽ giảm bớt hoặc biến mất khi người bệnh ngồi xuống hoặc nghiêng người về phía trước. Những tư thế này có thể tạo thêm nhiều khoảng không ở ống tủy sống, vì thế làm giảm áp lực lên tủy sống hoặc lên các dây thần kinh cột sống. Các bệnh nhân mắc chứng hẹp cột sống thường không thể đi bộ lâu được. Họ có thể có khả năng đạp xe trên máy tập thể dục.
Trượt Đốt Sống
Trượt đốt sống (spondylolisthesis) xảy ra khi một đốt sống ở vùng thắt lưng trượt ra khỏi đốt sống khác, hoặc trượt ra khỏi xương cùng (sacrum).
Ở trẻ em, tình trạng trượt đốt sống thường xảy ra giữa đốt sống thứ 5 ở vùng thắt lưng (đốt sống thắt lưng) và đốt sống thứ 1 ở khu vực xương cùng. Tình trạng này thường là do dị tật bẩm sinh ở khu vực đó của cột sống. Ở những người trưởng thành, nguyên nhân phổ biến nhất là chứng bệnh thoái hóa (chẳng hạn như chứng viêm khớp). Tình trạng trượt đốt sống này thường xảy ra giữa đốt sống thắt lưng thứ 4 và thứ 5. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi và ở phụ nữ.
Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng trượt đốt sống bao gồm các vết nứt nhỏ ở xương do áp lực (stress fractures) (thường thấy ở các vận động viên thể dục) và các tình trạng gãy (nứt) xương do tai nạn (traumatic fractures). Trượt đốt sống thỉnh thoảng có thể có liên quan đến các căn bệnh về xương.
Trượt đốt sống có thể thay đổi từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Tình trạng này có thể phát sinh tật ưỡn cột sống (lordosis: chứng võng lưng ngựa), nhưng ở các giai đoạn cuối có thể dẫn đến chứng gù (kyphosis: lưng còng) vì phần cột sống phía trên rút xuống phần cột sống phía dưới.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau thắt lưng
- Đau ở đùi và mông
- Khó di chuyển phần lưng
- Cứng cơ
- Dễ bị đau ở khu vực trượt đốt sống
Cơn đau nhức thường xảy ra khi hoạt động và cảm thấy khá hơn khi nghỉ ngơi. Tổn thương về thần kinh (chân yếu hoặc thay đổi cảm giác) có thể do áp lực lên đầu dây thần kinh, và có thể gây ra cơn đau nhức lan tỏa xuống chân.
Các Tình Trạng Viêm và Chứng Viêm Khớp
Các rối loạn viêm và các hội chứng viêm khớp có thể sản sinh ra tình trạng viêm ở cột sống.
Viêm cứng khớp đốt sống (ankylosing spondylitis) là một tình trạng viêm mãn tính của cột sống mà có thể dần dần dẫn đến tình trạng dính liền của các đốt sống. Các triệu chứng bao gồm sự phát triển chậm tình trạng khó chịu ở lưng, với cơn đau kéo dài hơn 3 tháng. Lưng thường bị đau cứng vào buổi sáng; cơn đau có thể dịu bớt bằng cách di chuyển hoặc tập thể dục. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể đứng hoặc ngồi dáng lưng tôm. Tuy nhiên, nó có thể khá nhẹ và hiếm khi ảnh hưởng đến khả năng làm việc của một người. Tình trạng này phần lớn xảy ra ở các thanh niên nam nữ da trắng ở độ tuổi từ 20 đến 30. Căn bệnh này thường thấy ở đàn ông, nhưng khoảng 30% các trường hợp xảy ra là ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu tin rằng, trong đa số các trường hợp thì nguyên nhân là do di truyền.
Khoảng 20% số người mắc bệnh viêm đường ruột (inflammatory bowel disease: chứng rối loạn đường tiêu hóa mãn tính) và khoảng 20% số người mắc bệnh vẩy nến (psoriasis) phát triển một dạng tương tự của chứng viêm khớp có liên quan đến cột sống. Có nhiều phương pháp điều trị cho chứng bệnh có nguy cơ gây tàn tật này, bao gồm các loại thuốc ức chế miễn dịch khác nhau. Etanercept (Enbrel) và infliximab (Remicade), là các loại thuốc kháng viêm có tên là chặn-TNF (TNF-blocker), đang được chứng minh là có hiệu quả.
Chứng Loãng Xương và Tình Trạng Nứt Cột Sống Do Đè Nén
Chứng loãng xương (osteoporosis) là một chứng bệnh về khung xương trong đó số lượng canxi hiện diện trong xương dần dần giảm xuống đến một mức độ mà xương trở nên mỏng dòn và dễ bị gãy (nứt). Chứng bệnh này thường không gây đau nhức trừ khi các đốt sống bị sụp xuống một cách đột ngột, trong trường hợp đó người bệnh thường bị đau nhức nghiêm trọng. Có thể có nhiều đốt sống bị ảnh hưởng.
Đối với tình trạng nứt đốt sống do bị đè nén, thì mô của xương đốt sống bị phân hủy. Kết quả là có thể có nhiều đốt sống bị gãy nứt. Khi tình trạng gãy nứt là do chứng loãng xương, thì các đốt sống ở phần ngực và phần dưới cột sống thường bị ảnh hưởng, và việc đi bộ sẽ làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu có nhiều vết gãy nứt, thì tình trạng này sẽ gây ra chứng gù lưng. Thêm vào đó, tình trạng nứt cột sống do bị đè nén thường là nguyên nhân gây ra vấn đề mất đi chiều cao. Áp lực lên tủy sống cũng có thể xảy ra, tạo ra các triệu chứng như tình trạng tê, cảm giác bị ngứa ran, hoặc đuối sức. Các triệu chứng còn tùy thuộc vào khu vực lưng bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đa số tình trạng nứt cột sống thường ổn định và không phát sinh các triệu chứng về thần kinh.
Các Trường Hợp Đau Lưng Khẩn Cấp
Một vài tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cũng có thể gây đau lưng. Thông thường, các triệu chứng này phát triển trong một thời gian ngắn, trở nên nghiêm trọng hơn, và có thể có các phát hiện khác đi kèm theo. Một số tình trạng này bao gồm:
- Nhiễm trùng xương (osteomyelitis: viêm tủy xương) hoặc nhiễm trùng đĩa đệm (diskitis: viêm đĩa đệm đốt sống)
- Ung thư từ các cơ phận khác lan truyền đến cột sống (phổ biến nhất là ung thư phổi, ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, và ung thư vú)
- Ung thư xuất phát từ xương [phổ biến nhất ở người trưởng thành là chứng đa u tủy (multiple myeloma), được tìm thấy ở những người ở tuổi trung niên và cao niên]; các khối u lành tính như u nguyên bào xương (osteoblastoma) hoặc u xơ thần kinh (neurofibroma) và các bệnh ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu (leukemia), cũng có thể gây ra đau lưng ở trẻ em
- Chấn thương nghiêm trọng
Các Bất Thường Hỗn Hợp và Các Chẩn Đoán
Bất kỳ sự bất thường nào ở các khớp, các đốt sống, hoặc các đầu dây thần kinh đều có thể gây ra đau lưng, bao gồm:
- Hội chứng gây đau mãn tính ở cơ mềm và khớp (fibromyalgia)
- Các chứng bệnh gây ra đau lưng, xảy ra cùng lúc với các vấn đề ở những bộ phận không liên quan đến cột sống (mặc dù thường nằm ở gần đó); những chứng bệnh như vậy bao gồm loét bao tử, bệnh thận (bao gồm sỏi thận), u nang buồng trứng lành tính (ovarian cyst), và viêm tuyến tụy (pancreatitis).
- Nhiễm trùng tử cung mãn tính hoặc nhiễm trùng khung chậu mãn tính có thể gây ra đau vùng thắt lưng ở phụ nữ.
- Các khớp mặt (các khớp z) có thể bị mòn đi; trong các trường hợp như vậy, cơn đau nhức sẽ xảy ra khi khom lưng hoặc khi đi bộ.
- Trong một số trường hợp, một đoạn cột sống (bao gồm 2 đốt sống cùng với khớp chung của chúng và đĩa đệm) trở nên không ổn định khi các bộ phận của nó bị mòn đi.
- Thương tổn đến các đầu dây thần kinh, đặc biệt là rễ hạch sâu (root ganglia: các tế bào thần kinh ở cột sống mà các dây thần kinh kéo dài từ da đến tế bào cơ), có thể quan trọng trong một số trường hợp; một số bệnh nhân có thể có mô sẹo ngăn chặn các đầu dây thần kinh ở phần cột sống dưới do đó gây ra chứng đau thần kinh tọa.
0 comments:
Post a Comment