CÁC BIẾN CHỨNG
Bệnh tiểu đường loại 1 làm giảm tuổi thọ bình thường khoảng từ 5 – 8 năm. Tuy nhiên, tỉ lệ sống sót đang cải thiện ở tất cả các sắc tộc và cả hai nhóm giới tính. Tỉ lệ sống sót lâu hơn có thể là do các tiến bộ trong việc theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hàm lượng glucose trong máu. Có 2 phương pháp tiếp cận quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng từ bệnh tiểu đường loại 1:
- Nỗ lực kiểm soát hàm lượng glucose trong máu và duy trì hàm lượng glycosylated hemoglobin (HbA1c) dưới 7%. Phương pháp tiếp cận này đang chứng minh là có thể ngăn ngừa các biến chứng do những bất thường ở mạch máu và tổn thương thần kinh (bệnh thoái hóa thần kinh) mà có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan, bao gồm mắt, thận, và tim.
- Quản lý các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tim. Việc kiểm soát hàm lượng glucose trong máu hỗ trợ cho tim, nhưng cũng có một điều rất quan trọng là những người bị bệnh tiểu đường phải kiểm soát huyết áp, hàm lượng cholesterol, và các yếu tố khác liên quan đến bệnh tim.
Chứng Nhiễm Toan Xeton do Bệnh Tiểu Đường
Chứng nhiễm toan xeton do bệnh tiểu đường (diabetic ketoacidosis - DKA) là một biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng mà nó sẽ phát triển khi nguồn lưu trữ insulin trong cơ thể bị thiếu hụt (cạn kiệt). Tình trạng này hầu như luôn luôn là kết quả của việc không thực hiện đúng theo các phương pháp điều trị bằng insulin. Các yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng này là do không có bảo hiểm sức khỏe và cố ý giảm liều lượng insulin để giảm cân, mà điều này xảy ra ở các thiếu nữ đang cố gắng giảm cân.
Chứng nhiễm toan xeton do bệnh tiểu đường thường phát triển như sau:
- Quá trình này thường xuất hiện ở các bệnh nhân bị thiếu hụt insulin trong trường hợp bị áp lực, phần lớn thường do bị viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các nguyên nhân khác bao gồm lạm dụng rượu bia, chấn thương về cơ thể, tắc nghẽn động mạch phổi, nhồi máu cơ tim, hoặc các chứng bệnh khác.
- Mức insulin xuống thấp nghiêm trọng sẽ tạo ra một số lượng dư thừa glucose trong máu (tăng glucose trong máu).
- Sự phân hủy chất béo sau đó tăng tốc và làm tăng sự sản sinh các axit béo.
Các axit béo này được chuyển hóa thành các chất hóa học được gọi là các hợp chất xeton hòa tan (ketone bodies), chúng trở nên độc hại khi hàm lượng tăng cao. Các triệu chứng và các biến chứng bao gồm:
- Buồn nôn và ói mửa
- Thở sâu và nhanh có thể xảy ra với những tiếng thở dài thường xuyên
- Nhịp tim đập nhanh
- Phù não (cerebral edema), hoặc sưng não, là một biến chứng hiếm nhưng rất nguy hiểm mà chỉ xảy ra ở 1% các trường hợp nhiễm toan xeton và dẫn đến hôn mê, tổn thương não, hoặc tử vong ở nhiều trường hợp. Nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ gặp phải biến chứng này thường thấy nhiều hơn ở trẻ em bị nhiễm toan xeton nghiêm trọng nếu các trẻ này cũng được điều trị bằng bicarbonate để hạ bớt hàm lượng axit.
- Các biến chứng nghiêm trọng khác từ chứng nhiễm toan xeton do bệnh tiểu đường (DKA) bao gồm viêm phổi sặc (aspiration pneumonia) và hội chứng suy liệt hô hấp ở người thành niên (adult respiratory distress syndrome).
- Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thì hôn mê và thậm chí tử vong có thể xảy ra, mặc dù trong vòng 20 năm qua, tình trạng tử vong do nhiễm toan xeton tiểu đường đã giảm xuống khoảng 2% trong số tất cả các trường hợp.
Phương pháp điều trị có tính duy trì sự sống sử dụng sự bổ sung nhanh chất lỏng cho cơ thể bằng một loại dung dịch muối (saline) theo sau bởi một liều lượng thấp insulin và trị liệu bổ sung kali.
Urine test: Xét nghiệm nước tiểu
Nhiễm toan xeton là một tình trạng nghiêm trọng do hàm lượng glucose gia tăng trong máu và nước tiểu. Một xét nghiệm nước tiểu đơn giản có thể xác định được hàm lượng cao xeton có hiện diện không.
Tình Trạng Hạ Đường Bất Thường Trong Máu
Việc kiểm soát chặt chẽ hàm lượng đường trong máu sẽ làm gia tăng nguy cơ hạ đường bất thường trong máu (hypoglycemia). Tình trạng hạ đường bất thường trong máu, còn được gọi là sốc insulin, sẽ xảy ra nếu hàm lượng glucose trong máu xuống dưới mức bình thường. Tình trạng này thường được xác định khi hàm lượng đường trong máu thấp hơn mức 70mg/dL, mặc dù mức đường này có thể không nhất thiết sẽ gây ra các triệu chứng ở tất cả các bệnh nhân. Tiêu thụ không đủ thực phẩm và tập thể dục quá nhiều hoặc uống bia rượu có thể gây ra tình trạng hạ đường bất thường trong máu. Thông thường thì tình trạng này có thể quản lý được, nhưng thỉnh thoảng, nó có thể trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng, cụ thể là nếu bệnh nhân không nhận ra được các triệu chứng, đặc biệt là khi tiếp tục sử dụng insulin hoặc các loại thuốc hạ đường trong máu khác.
Các Yếu Tố Gây Nguy Cơ Gây Ra Chứng Hạ Đường Bất Thường Trong Máu Nghiêm Trọng. Trong số các bệnh nhân trẻ tuổi, các trẻ em nhỏ tuổi nhất và các bé trai ở bất kỳ độ tuổi nào có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng hạ đường bất thường trong máu. Các yếu tố cụ thể gây nguy cơ gặp phải tình trạng này bao gồm:
- Các bệnh nhân cố gắng kiểm soát chặt chẽ glucose trong máu và hàm lượng HbA1c
- Mắc bệnh tiểu đường dài hạn
- Các bệnh nhân không thực hiện theo phương pháp điều trị (bao gồm những người không được bảo hiểm sức khỏe, có các rối loạn về tâm lý, hoặc những người có ít kiến thức về bệnh tiểu đường)
- Các bệnh nhiễm trùng như viêm niêm mạc dạ dày và ruột (gastroenteritis) hoặc các chứng bệnh về đường hô hấp
Không Ý Thức Về Tình Trạng Hạ Đường Bất Thường Trong Máu. Đây là một tình trạng mà bệnh nhân trở nên mất cảm giác đối với các triệu chứng của tình trạng hạ đường bất thường trong máu. Nó ảnh hưởng đến khoảng 25% số bệnh nhân sử dụng insulin, hầu như luôn luôn ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Trong các trong hợp như vậy, tình trạng hạ đường bất thường trong máu xuất hiện một cách đột ngột, không được cảnh báo trước, và có thể gia tăng đến mức độ nghiêm trọng. Thậm chí một cơn hạ đường cũng có thể gây khó khăn cho bệnh nhân phát hiện được cơn hạ đường tiếp theo. Với sự theo dõi thận trọng và bằng cách nỗ lực tránh tình trạng glucose trong máu xuống thấp, các bệnh nhân thường có thể có lại được khả năng nhận biết các triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả việc xét nghiệm rất cẩn thận cũng có thể không phát hiện được vấn đề, cụ thể là xảy ra trong lúc ngủ.
Các triệu chứng. Các triệu chứng nhẹ thường xảy ra khi mức glucose trong máu xuống khá thấp và dễ dàng điều chỉnh được. Chúng bao gồm:
- Chảy mồ hôi
- Bị run rẩy
- Đói
- Nhịp tim đập nhanh
Hàm lượng glucose xuống thấp nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng về thần kinh, chẳng hạn như:
- Rối loạn tinh thần
- Yếu sức
- Mất định hướng
- Thích gây gổ
- Trong các trường hợp hiếm và xấu nhất, bị hôn mê, co giật, và tử vong
Bệnh Tim và Đột Quỵ (Tai Biến Mạch Máu Não)
Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) loại 1 có nguy cơ mắc bệnh tim gấp 10 lần so với các bệnh nhân không bị bệnh tiểu đường. Các cơn nhồi máu cơ tim gây ra 60% các ca tử vong ở các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, trong khi đó đột quỵ gây ra 25% các ca tử vong này. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến tim bằng nhiều cách thức:
- Bệnh tiểu đường loại 1 và 2 đều làm gia tăng tốc độ tiến triển của chứng xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng xấu đến hàm lượng lipit trong máu bằng cách hạ thấp hàm lượng cholesterol “tốt” HDL và gia tăng hàm lượng triglycerides. Điều này có thể dẫn đến bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ.
- Đối với bệnh tiểu đường loại 1, chứng cao huyết áp thường phát triển nếu thận bị tổn thương. Cao huyết áp là một nguyên nhân quan trọng khác gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và suy tim. Các trẻ em bị bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ bị cao huyết áp.
- Chức năng thần kinh bị suy yếu (bệnh thoái hóa thần kinh) liên quan đến bệnh tiểu đường cũng gây ra các bất thường về tim. Một số chuyên gia ước lượng rằng tỉ lệ tử vong do các chứng bệnh tim có liên quan đến thoái hóa thần kinh nằm trong khoảng từ 15 – 53%.
Right coronary artery: Động mạch vành phải
Left anterior descending artery: Động mạch đi xuống phía trước bên trái
Plaque in artery wall: Mảng vữa trong thành động mạch
Blood clot: Huyết khối
Xơ vữa động mạch là một chứng bệnh về các động mạch trong đó các chất béo tích tụ ở thành mạch máu, dẫn đến tình trạng thu hẹp và sau đó làm suy yếu sự tuần hoàn máu. Tuần hoàn máu từ các động mạch đến tim bị hạn chế nghiêm trọng sẽ dẫn đến các triệu chứng như đau thắt ngực. Xơ vữa động mạch không cho thấy bất cứ triệu chứng nào cho đến khi một biến chứng xuất hiện.
Kidney: Thận
Calyces: Đài thận
Renal pelvis: Bể thận
Medulla: Tủy thận
Cortex: Vỏ thận
Ureter: Niệu quản (dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang)
Renal vein: Tĩnh mạch thận
Renal artery: Động mạch thận
Thận có nhiệm vụ loại bỏ các chất thải trong cơ thể, điều tiết sự cân bằng chất điện phân và huyết áp, và kích thích sự sản sinh hồng cầu (tế bào máu đỏ).
Các kết quả từ Nghiên Cứu Các Biến Chứng và Kiểm Soát Bệnh Tiểu Đường (Diabetes Control and Complications Trial - DCCT) chứng minh rằng kiểm soát nghiêm ngặt lượng đường trong máu sẽ làm giảm bớt 50% nguy cơ dài hạn gặp phải các biến chứng của bệnh tim. Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu thậm chí còn quan trọng hơn trong việc giảm bớt các nguy cơ này so với các loại thuốc hạ huyết áp và cholesterol. Các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi sự tiến triển của các bệnh nhân này trong suốt 17 năm tiếp theo. Lợi ích của việc kiểm soát chặt chẽ lượng glucose trong máu kéo dài theo thời gian và có thể làm giảm bớt một nửa nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau thắt ngực, hoặc bệnh mạch vành.
Giảm Huyết Áp. Kiểm soát chặt chẽ huyết áp rất quan trọng cho việc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường và đã chứng minh là có thể cải thiện tỉ lệ sống sót. Các bệnh nhân nên cố gắng đặt được mức huyết áp thấp hơn 130/80 mm Hg (tâm thu/tâm trương). Huyết áp tâm thu cao trong lúc ngủ thường xảy ra trước khi phát triển bệnh thoái hóa thần kinh. (Áp suất tâm thu là con số đứng trước và cao hơn trong số đo huyết áp). Dụng cụ đo huyết áp ở nhà có thể giúp xác định bệnh nhân bị bệnh tiểu đường loại 1 có nguy cơ bị tổn thương thận.
Cải Thiện Hàm Lượng Lipit và Cholesterol. Hàm lượng bất thường về lipit và cholesterol khá phổ biến ở bệnh tiểu đường. Bệnh nhân phải luôn luôn giảm bớt hàm lượng cholesterol “xấu” LDL khi nó gia tăng, nhưng các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng thường gặp phải những tình trạng mất cân đối gây hại, bao gồm hàm lượng thấp cholesterol “tốt” HDL và hàm lượng cao triglycerides.
Các bệnh nhân ở tuổi thành niên nên đạt được mức cholesterol LDL thấp hơn 100 mg/dL, mức cholesterol HDL trên 50 mg/dL, và mức triglycerides thấp hơn 150 mg/dL. Các bệnh nhân có bệnh tiểu đường và bệnh tim nên cố gắng đạt được mức cholesterol thấp hơn nữa; Hiệp Hội Bệnh Tiểu Đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) đề xuất mức cholesterol LDL thấp hơn 70 md/dL cho các bệnh nhân này.
Trẻ em nên được điều trị cho mức cholesterol LDL cao hơn 160 mg/dL, hoặc cao hơn 130 mg/dL nếu các trẻ này có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tổn Thương Thận (Bệnh Thận)
Bệnh thận (nephropathy) là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Với tình trạng này, các bộ phận lọc rất nhỏ ở thận (được gọi là cuộn tiểu cầu thận - glomeruli) bị tổn thương và rò rỉ protein vào trong nước tiểu. Sau một thời gian tình trạng này có thể dẫn đến suy thận. Các xét nghiệm nước tiểu cho thấy mắc phải triệu chứng anbumin vi niệu (microalbuminuria - hiện diện một số lượng nhỏ protein trong nước tiểu) là những dấu hiệu quan trọng bị tổn thương thận.
Biến chứng thoái hóa thần kinh của bệnh tiểu đường (diabetic nephropathy), nguyên nhân đứng đầu của bệnh thận ở giai đoạn cuối (end-stage renal disease - ESRD), xuất hiện ở khoảng 20 – 40% số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Các bệnh nhân bị bệnh thận ở giai đoạn cuối có nguy cơ tử vong cao gấp 13 lần so với các bệnh nhân khác mắc bệnh tiểu đường loại 1. Nếu thận suy giảm chức năng hoạt động, thì đòi hỏi phải sử dụng phương pháp thẩm tách (dialysis). Các triệu chứng của tình trạng suy thận có thể bao gồm sưng (phù) bàn chân và mắt cá, ngứa, mệt mỏi, và da nhợt nhạt. Sự dự đoán tiến triển của bệnh thận giai đoạn cuối đã cải thiện đáng kể trong suốt 4 thập niên qua đối với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1, và có ít hơn những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 phát triển bệnh thận giai đoạn cuối.
Bệnh Thoái Hóa Thần Kinh
Bệnh tiểu đường làm suy yếu hoặc làm trục trặc chức năng thần kinh, gây ra một chứng bệnh gọi là thoái hóa thần kinh (neuropathy). Bệnh thoái hóa thần kinh liên quan đến một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Có hai loại bệnh thoái hóa thần kinh chính:
- Ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngón chân, bàn chân, cẳng chân, bàn tay, và cánh tay)
- Không chủ định (ảnh hưởng đến các dây thần kinh giúp điều khiển các chức năng về tiểu hóa, bàng quang, ruột, và các chức năng về tình dục)
Bệnh thoái hóa thần kinh ngoại biên đặc biệt ảnh hưởng đến cảm giác của cơ thể. Nó là một biến chứng phổ biến mà ảnh hưởng đến gần như một nửa số người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 sau 25 năm. Các hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh thoái hóa thần kinh thường xảy ra ở cẳng chân và bàn chân và gây ra nguy cơ bị lở loét, đồng thời trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể cắt cụt chân (tay). Bệnh thoái hóa thần kinh ngoại biên thường bắt đầu ở các ngón tay và các ngón chân rồi di chuyển lên các cánh tay và cẳng chân (được gọi là một sự phân phối tất – găng tay - a stocking-glove distribution). Các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác ngứa ran
- Đuối sức
- Cảm giác nóng rát
- Mất cảm giác ấm hoặc lạnh
- Tê – mất cảm giác (nếu các dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể không cảm giác được một nốt giộp hoặc một vết thương nhẹ bị nhiễm trùng)
Bệnh thoái hóa thần kinh không chủ định (autonomic neuropathy) có thể gây ra:
- Các vấn đề về tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa)
- Nhiễm trùng bàng quang và tình trạng mất khả năng kiểm soát chức năng bài tiết (incontinence)
- Suy yếu chức năng cương cứng
- Các vấn đề về tim. Bệnh thoái hóa thần kinh có thể ngụy trang chứng đau thắt ngực, là chứng đau ngực cảnh báo cho bệnh tim và nhồi máu cơ tim. Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo khác của một cơn nhồi máu cơ tim, bao gồm kiệt sức đột ngột, chảy mồ hôi, khó thở, buồn nôn, và ói mửa.
- Nhịp tim đập nhanh
- Choáng váng khi đứng lên (giảm huyết áp tư thế đứng - orthostatic hypotension)
Kiểm soát đường trong máu là một thành phần thiết yếu trong việc điều trị bệnh thoái hóa thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng kiểm soát chặt chẽ hàm lượng glucose trong máu giúp trì hoãn sự khởi phát và làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa thần kinh. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh thoái hóa thần kinh. Giảm triglycerides, giảm cân, hạ huyết áp, và cai thuốc lá có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát bệnh thoái hóa thần kinh.
Lở Loét Bàn Chân và Các Thủ Thuật Cắt Cụt Chi
Khoảng 15% số bệnh nhân bị bệnh tiểu đường gặp phải các vấn đề nghiêm trọng ở bàn chân. Các vấn đề này là nguyên nhân đứng đầu làm cho các bệnh nhân này phải nhập viện. Các hậu quả của cả hai tình trạng tuần hoàn máu kém và bệnh thoái hóa thần kinh ngoại biên làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng và phổ biến đối với tất cả những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường chịu trách nhiệm cho hơn một nửa trong tổng số các trường hợp bị cắt cụt chi dưới được thực hiện ở Hoa Kỳ. Mỗi năm có khoảng 88.000 trường hợp bị cắt cụt chi không do chấn thương, 50 – 70% trong số đó là do bệnh tiểu đường. Khoảng 85% các trường hợp bị cắt cụt chi là bắt đầu từ các vết lở loét ở bàn chân, mà tình trạng này phát triển ở khoảng 12% trong số các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Những người mắc bệnh tiểu đường mà bị thừa cân, hút thuốc, và có bệnh sử lâu dài về bệnh tiểu đường sẽ có xu hướng gặp nguy cơ cao nhất. Những người bị bệnh tiểu đường trên 20 năm và phụ thuộc vào insulin là những người có nhiều nguy cơ nhất. Các chứng bệnh liên quan mà tạo ra nguy cơ cho người bệnh bao gồm bệnh thoái hóa thần kinh ngoại biên, bệnh động mạch ngoại biên, các biến dạng ở chân, và có bệnh sử về lở loét.
Nhìn chung, các trường hợp lở loét ở bàn chân thường phát triển từ các tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như từ những tổn thương ở mạch máu. Một nghiên cứu vào năm 2006 đã báo cáo rằng những người mắc bệnh tiểu đường và bị nhiễm trùng bàn chân sẽ có khả năng gấp 155 lần bị cắt cụt chi so với những người không bị nhiễm trùng chân. Nhiễm trùng bàn chân thường phát sinh từ các chấn thương. Ngay cả các nhiễm trùng nhẹ cũng có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng. Tình trạng mất cảm giác (tê) từ các tổn thương thần kinh, điều này thường phổ biến ở bệnh tiểu đường, sẽ làm tăng sự nguy hiểm vì bệnh nhân có thể không lưu ý đến các vết thương. Khoảng 1/3 các trường hợp lở loét ở bàn chân thường xảy ra ở ngón chân cái.
Bệnh Bàn Chân Charcot. Bệnh bàn chân Charcot hoặc bệnh khớp Charcot (thuật ngữ y khoa gọi là bệnh khớp thoái hóa thần kinh) xảy ra ở khoảng 2,5% số người bị bệnh tiểu đường. Các thay đổi ban đầu xuất hiện tương tự như bị nhiễm trùng, với tình trạng bàn chân bị sưng (phù) đỏ và có cảm giác ấm. Dần dần, bàn chân này bị biến dạng. Xương có thể bị nứt, vỡ vụn, và bị ăn mòn, và các khớp có thể bị trật (trượt) ra, thay đổi hình thể, và trở nên không ổn định. Chứng bệnh này thường phát triển ở những người mang bệnh thoái hóa thần kinh đến mức độ mà bàn chân của họ mất cảm giác và không nhận biết được là họ đang bị thương. Thay vì để cho bàn chân được nghỉ ngơi hoặc đi khám bác sĩ, bệnh nhân thường tiếp tục hoạt động bình thường, như vậy càng gây thêm tổn thương.
Bệnh bàn chân Charcot ban đầu được điều trị bằng cách giữ cố định hoàn toàn bàn chân và mắt cá (ankle); một số trung tâm y tế sử dụng khuôn đúc cho phép bệnh nhân di chuyển nhưng vẫn bảo vệ được bàn chân. Khi vượt qua được giai đoạn nghiêm trọng, các bệnh nhân thường cần đến một khung hỗ trợ (brace) lúc ban đầu và sau đó sử dụng giày dép làm theo yêu cầu của khách hàng để bảo vệ bàn chân suốt đời.
Normal Foot: Bàn chân bình thường
Charcot Foot: Bàn chân bị biến dạng do bệnh bàn chân Charcot
Bệnh Võng Mạc và Các Biến Chứng về Mắt
Bệnh tiểu đường gây ra 12000 – 24000 các trường hợp mới bị mù hàng năm và là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp mới bị mù ở những người thành niên trong độ tuổi từ 20 – 74. Chứng rối loạn về mắt phổ biến nhất ở bệnh tiểu đường là bệnh võng mạc. Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nhiều nguy cơ hơn phát triển bệnh đục thủy tinh thể (cataract - bệnh cườm mắt) và một số loại bệnh tăng nhãn áp (glaucoma).
Mô Tả Bệnh Võng Mạc. Bệnh võng mạc (retinopathy) là một chứng bệnh mà trong đó võng mạc bị tổn thương. Có hai tình trạng bất thường chính, đó là, mạch máu ở võng mạc bị suy yếu và các mao mạch bị tắt nghẽn, có lẽ do những cục máu đông rất nhỏ gây ra. Bệnh võng mạc thường xảy ra ở một hoặc hai giai đoạn:
- Dạng rối loạn ban đầu và phổ biến hơn của chứng bệnh này được gọi là bệnh võng mạc không tăng sinh (nonproliferative retinopathy) hoặc bệnh võng mạc nền (background retinopathy). Các mạch máu ở võng mạc bị suy yếu một cách bất thường. Chúng bị rách và rò rỉ, và có thể hình thành các khu vực có bề mặt giống sáp. Nếu các quá trình này ảnh hưởng đến khu vực trung tâm của võng mạc, thì có thể xảy ra tình trạng sưng phồng, làm cho thị lực bị suy giảm và bị mờ (nhòe).
- Nếu các mao mạch bị tắc nghẽn và máu bị ngưng chảy, thì các khu vực “có lông mịn” và mềm có thể phát triển trong lớp dây thần kinh của võng mạc. Các khu vực có lông mịn này có thể báo hiệu sự phát sinh của bệnh võng mạc không tăng sinh. Thông thường sẽ không xuất hiện các triệu chứng của bệnh võng mạc đang tiến triển. Khi bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn, thì các mạch máu mới và không bình thường sẽ hình thành và phát triển trên bề mặt của võng mạc. Các mạch máu này có thể lan đến hốc mắt hoặc xuất huyết vào phía sau mắt. Tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và bong võng mạc có thể xảy ra, và gây ra tình trạng mất thị lực nghiêm trọng hoặc có thể bị mù. Tình trạng nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy có thể báo hiệu tình trạng bong võng mạc.
Normal retina: Võng mạc bình thường
Retinopathy: Bệnh võng mạc
Macula: Vết đỏ
Optic disk: Đĩa thị võng mạc, Điểm mù
Hemorrhage: Xuất huyết
Aneurysms: Phình mạch
Bệnh tiểu đường gây ra một lượng dư thừa glucose trong máu mà có thể gây tổn thương đến các mạch máu. Những mạch bị tổn thương trong mắt có thể rò rỉ máu và chất lỏng vào các mô tế bào xung quanh và gây ra các vấn đề về thị giác.
Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên bắt đầu đi khám bác sĩ mắt theo lịch trình như sau:
- Trẻ em trên 10 tuổi và mắc bệnh tiểu đường ít nhất 3 – 5 năm
- Trẻ vị thành niên và những người thành niên mắc bệnh tiểu đường loại 1, được chẩn đoán mắc bệnh trong vòng 5 năm
- Những người thành niên bị bệnh tiểu đường loại 2 ngay sau khi được chẩn đoán mắc bệnh
Sau lần kiểm tra đầu tiên, hầu hết các bệnh nhân nên được kiểm tra mắt mỗi năm. Các bệnh nhân không có dấu hiệu bị tổn thương võng mạc hoặc có ít nguy cơ mắc bệnh võng mạc có thể chỉ cần kiểm tra theo chu kỳ 2 – 3 năm. Các bệnh nhân bắt đầu thực hiện một chương trình tập thể dục mới hoặc có chương trình tập nghiêm ngặt nên được kiểm tra mắt, cũng như tất cả các bệnh nhân đang mang thai.
Các Loại Nhiễm Trùng
Nhiễm trùng đường hô hấp. Những người bị bệnh tiểu đường phải đối phó với một nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng của nó cao hơn, bao gồm viêm phổi, có lẽ bởi vì chứng bệnh tiểu đường này làm cho các protein bảo vệ trên bề mặt của phổi bị mất tác dụng. Thật vậy, các ca tử vong trong số những người mắc bệnh tiểu đường gia tăng khoảng từ 5 – 15% trong thời gian có dịch cúm, và các bệnh nhân này có khả năng gấp 6 lần bị nhập viện vì các biến chứng từ bệnh cúm so với các bệnh nhân mắc bệnh cúm nhưng không có bệnh tiểu đường.
Các đề xuất tiêm chủng cho những bệnh nhân có bệnh tiểu đường bao gồm:
- Chủng ngừa cúm mỗi năm cho tất cả bệnh nhân trên 6 tháng tuổi
- Tất cả bệnh nhân nên tiếp nhận ít nhất một lần tiêm chủng ngăn ngừa bệnh viêm phổi do vi khuẩn pneumococci (pneumococcal pneumonia), các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh về phổi, hoặc các chứng bệnh về thận nên tiếp nhận tiêm chủng lần thứ hai trong 5 năm.
Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu. Các phụ nữ có bệnh tiểu đường phải đối phó với một nguy cơ đáng kể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, mà có thể trở nên phức tạp và khó điều trị hơn so với cộng đồng dân cư chung.
Chứng Trầm Cảm
Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm. Hơn nữa, theo một nghiên cứu, chứng trầm cảm, đến lượt nó, sẽ làm tăng nguy cơ gia tăng lượng đường trong máu và các biến chứng của bệnh tiểu đường. Việc khôi phục sức khỏe tinh thần, bằng cách sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý, không chỉ cải thiện được chất lượng của cuộc sống mà còn có thể giúp các bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu của họ.
Các Thay Đổi Về Chất Lượng Xương
Bệnh tiểu đường sẽ làm thay đổi chất lượng xương và mật độ xương, nhưng các thay đổi này tùy thuộc vào loại bệnh:
- Bệnh tiểu đường loại 1 có liên quan đến tình trạng suy giảm nhẹ mật độ xương, làm cho bệnh nhân có nguy cơ bị chứng loãng xương và có thể bị gãy (nứt) xương. Các loại thuốc tốt nhất để trị chứng loãng xương ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường là nhóm bisphosphonates, chẳng hạn như alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel). Các loại thuốc này không chỉ giúp phòng chống loãng xương mà thậm chí còn làm giảm bớt nhu cầu sử dụng insulin mỗi ngày ở các bệnh nhân đang sử dụng insulin.
- Mặt khác, bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến tình trạng gia tăng mật độ xương, nhưng nó cũng liên quan đến tình trạng gãy (nứt) xương. Trong những trường hợp như thể, chất lượng xương bản thân nó có thể bị suy yếu.
Các bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 sẽ có nguy cơ bị té ngã, mà điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị gãy (nứt) xương.
Các Biến Chứng Khác:
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh khác, bao gồm:
- Giảm thính lực (giảm khả năng nghe)
- Bệnh nha chu (mô nha chu: các mô bao quanh và hỗ trợ răng, bao gồm nướu răng, xương răng, dây chằng, ổ răng, và xương hỗ trợ)
- Hội chứng ống xương cổ tay (carpal tunnel syndrome) và các hội chứng chèn thần kinh khác
- Bệnh mỡ trong gan không do rượu bia, còn gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bia (nonalcoholic steatohepatitis - NASH); một mối nguy hiểm đặc biệt đối với những người béo phì
- Ung thư ruột kết
- Ung thư tử cung
Các Biến Chứng Cụ Thể ở Phụ Nữ
Bệnh Tiểu Đường và Mang Thai. Bệnh tiểu đường tạm thời trong khi mang thai (gestational diabetes) và việc mang thai ở các bệnh nhân đang có bệnh tiểu đường cả hai điều này có thể làm tăng nguy cơ trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng hàm lượng huyết đường cao (hyperglycemia) có thể ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển ngay sau khi bắt đầu mang thai.
Vì glucose sẽ di chuyển vào nhau thai, do đó một phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể truyền hàm lượng cao glucose trong máu cho thai nhi. Để phản ứng lại, thai nhi sẽ tiết ra một số lượng lớn insulin. Sự kết hợp giữa hàm lượng cao insulin trong máu của thai nhi và glucose có thể có những ảnh hưởng rất lớn:
- Thai nhi tăng cân quá mức, mà có thể dẫn đến các biến chứng trong khi sinh con
- Dị tật bẩm sinh
- Các vấn đề về hô hấp và sự phát triển của phổi bị trì hoãn
- Giảm lượng đường trong máu
- Trong tương lai có nhiều nguy cơ bị béo phì và bệnh tiểu đường
Bên cạnh vấn đề gây nguy hiểm cho thai nhi, bệnh tiểu đường còn tạo ra nguy cơ cho người phụ nữ mang thai, đặc biệt là chứng tiền sản giật (preeclampsia), là một chứng bệnh có thể nguy hiểm bao gồm huyết áp lên rất cao trong thời gian mang thai. Những phụ nữ mang thai có bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ rất lớn mắc bệnh võng mạc.
Ảnh Hưởng Đến Estrogen. Bệnh tiểu đường xem ra làm suy yếu một số tác dụng của estrogen, mà có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ bị mãn kinh sớm, mà, theo một nghiên cứu, xảy ra ở độ tuổi trung bình khoảng 41.
Ung Thư Các Cơ Quan Sinh Sản. Các phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 1 thường có các khối u lành tính trong ngực nhưng khó được phân tích rõ ràng bằng các phim chụp tia X ngực. Người ta vẫn chưa rõ rằng các khối u này có phải là các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư vú hay không. Một nghiên cứu cho thấy rằng các phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ bị ung thư màng trong tử cung (endometrial cancer) và có thể bị ung thư vú.
Các Vấn Đề Cụ Thể Đối Với Các Trẻ Vị Thành Niên mắc Bệnh Tiểu Đường Loại 1
Thiếu Sự Kiểm Soát Hàm Lượng Glucose Trong Máu. Việc kiểm soát hàm lượng glucose trong máu thường rất kém ở các trẻ vị thành niên và thanh niên. Các trẻ vị thành niên mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ gặp phải chứng nhiễm toan xeton do không tuân theo sự hướng dẫn hơn so với thanh niên. Trong một nghiên cứu của Anh Quốc về những thanh niên mắc bệnh tiểu đường loại 1, 15% số thanh niên này mắc chứng tăng huyết áp, và khoảng một nửa số thanh niên này có dấu hiệu bị tổn thương thận. Những thanh niên không kiểm soát lượng glucose cũng có nhiều nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như các mạch máu ở mắt.
Các Rối Loạn về Ăn Uống. Lên đến một phần ba các phụ nữ trẻ mắc bệnh tiểu đường loại 1 có những rối loạn về ăn uống và ít sử dụng insulin để giảm cân. Chứng chán ăn (anorexia) và chứng ăn nhiều (bulimia) gây ra các nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe ở những người trẻ, nhưng các rối loạn này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
0 comments:
Post a Comment