CHẨN ĐOÁN
Mặc dù đa số các cơn đau lưng mới, cũng như những tình trạng trầm trọng của chứng đau lưng mãn tính, sẽ biến mất hoặc trở lại mức độ khó chịu như trước đây, nhưng biết được tiền sử bệnh án và kiểm tra sức khỏe sơ lược cũng sẽ luôn luôn cần thiết. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, khoảng thời gian chúng hiện diện, và các chứng bệnh có liên quan, tiền sử bệnh án và kiểm tra sức khỏe nói riêng có thể hoặc không thể là chứng cứ đầy đủ để chẩn đoán.
Tiền Sử Bệnh
Bệnh nhân có thể mô tả chứng đau lưng và bệnh sử của tình trạng này theo cách thức sau đây:
- Mức độ thường xuyên, khoảng thời gian, và tính chất của cơn đau
- Khi nào cơn đau xuất hiện
- Điều gì gây ra cơn đau (chẳng hạn như nâng một vật nặng)
- Các tình trạng làm cho cơn đau nặng thêm, chẳng hạn như ho
- Các triệu chứng liên quan khác, như tình trạng bị cứng cơ vào buổi sáng, mệt mỏi, hoặc tê chân
- Các cơn đau lưng trước đây
- Mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các ảnh hưởng của cơn đau đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày hoặc các hoạt động tại nơi làm việc của bệnh nhân.
- Bất cứ tình huống nào làm giảm nhẹ cơn đau
- Bất cứ tiền sử bị chấn thương hoặc tai nạn nào bao gồm vùng cổ, lưng, hoặc hông.
- Các chứng bệnh khác, chẳng hạn như viêm khớp hoặc loãng xương
Bệnh nhân nên báo cáo cho bác sĩ biết bất cứ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, các triệu chứng, và những mối lo ngại mà có thể báo hiệu một tình trạng khá nghiêm trọng. Các vấn đề này bao gồm:
- Nhiễm HIV hoặc bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (acquired immunodeficiency syndrome – AIDS)
- Cơn đau làm tăng cường độ và không thể thuyên giảm
- Cơn sốt có liên quan đến đau lung
- Bất cứ các triệu chứng mới hoặc trở nặng thêm về thần kinh, chẳng hạn như đuối sức ở khu vực nào đó ở chân hoặc bàn chân
- Có tiền sử bị bệnh ung thư, hoặc hiện đang được điều trị bệnh ung thư
- Các vấn đề về đi tiêu và đi tiểu, bao gồm chứng ỉa đùn (ỉa không kiềm chế được)
- Xuống cân mà không giải thích được
Kiểm Tra Sức Khỏe
Mục đích chính của việc kiểm tra sức khỏe là cố gắng xác định căn nguyên của cơn đau và các hạn chế trong việc vận động.
- Các bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngồi, đứng, và đi theo nhiều tư thế khác nhau (bằng bàn chân, bằng các ngón chân, và bằng các gót chân).
- Các bệnh nhân sẽ được yêu cầu cúi người về phía trước, về phía sau, hai bên và xoay người.
- Các bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm xuống đưa thẳng chân lên. Bác sĩ cũng sẽ di chuyển chân của bệnh nhân theo nhiều vị trí khác nhau, gập đầu gối lại cũng như kéo thẳng ra. (Cơn đau do chứng đau thần kinh tọa có thể tăng cường độ bằng việc nâng thẳng chân bị đau lên. Thường là bị đau nhói, cục bộ, và kèm theo tình trạng tê hoặc cảm giác bị châm nhẹ trong da. Cơn đau do viêm thì sẽ nhẹ hơn, lan truyền khắp cơ thể nhiều hơn và không bị ảnh hưởng khi nhấc một chân lên).
- Bác sĩ có thể đo chu vi của các bắp chân (calf) và bắp đùi (thigh) để tìm các thương tổn về cơ bắp.
- Để kiểm tra chức năng thần kinh và những phản xạ, bác sĩ sẽ gõ nhẹ vào đầu gối và mắt cá chân bằng một loại búa cao su. Bác sĩ cũng có thể chạm nhẹ vào những phần cơ thể bằng một cái que nhỏ, tăm bông, hoặc lông thú để kiểm tra tình trạng tê và độ nhạy cảm của dây thần kinh.
- Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ khỏe mạnh của các nhóm cơ khác nhau ở chân.
Các Kỹ Thuật Chụp Hình
Các xét nghiệm chụp hình được dùng để đánh giá phạm vi đau lưng từ chụp X quang đơn giản đến chụp CT hoặc chụp MRI cột sống. Tùy thuộc vào các chẩn đoán y khoa được xác định bằng bệnh sử, bệnh nhân có thể cần các xét nghiệm như Đo Hấp Thu Tia X Lưỡng Năng (Dual energy X-rayabsorptiometry - DEXA) để kiểm tra chứng loãng xương hoặc chụp lướt hạt nhân (nuclear scan) để kiểm tra nghi ngờ bị viêm khớp, ung thư, hoặc nhiễm trùng.
Vì đa số bệnh nhân bị đau lưng đang được hồi phục hoặc hoàn toàn được hồi phục trong vòng 6 tuần, do đó các kỹ thuật chụp hình như chụp X quang hoặc chụp lướt (scan) hiếm khi được khuyến khích thực hiện trong tháng đầu tiên trừ khi bác sĩ nghi ngờ có khối u, vết nứt (gãy) xương, nhiễm trùng, hội chứng đuôi ngựa, hoặc bệnh thần kinh nghiêm trọng.
Ngay cả khi các triệu chứng kéo dài lâu hơn, trừ khi chẩn đoán bệnh nghiêm trọng bị nghi ngờ, thì phương pháp chụp MRI và chụp CT thường vẫn có thể được hoãn lại cho đến khi phẫu thuật hoặc tiêm steroid bên ngoài màng cứng cột sống (epidural steroid injection) được xem xét là các chọn lựa để điều trị.
Chụp X Quang. Nhiều bệnh nhân mắc phải chứng đau lưng cấp tính và không có biến chứng tin rằng chụp X quang cột sống là cần thiết trong việc chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, phương pháp chụp hình này không hiệu quả lắm đối với đa số bệnh nhân mắc phải chứng đau lưng không cụ thể.
Bệnh nhân có các triệu chứng sau đây hoặc gặp phải những tình trạng nào đó có thể cần đến những kỹ thuật chụp hình phức tạp hơn:
- Đau dữ dội kéo dài trên 1 đến 2 tháng
- Các triệu chứng chẳng hạn như đau nhức, tê, hoặc cảm giác bị châm nhẹ trong da trải dài từ vùng mông xuống tới chân mà rất nghiêm trọng hoặc trở xấu hơn.
- Cơ bị đuối sức nghiêm trọng, kéo dài, hoặc trở xấu hơn
- Trước đây bị tai nạn hoặc bị chấn thương mà có thể ảnh hưởng đến các đĩa đệm hoặc đốt sống
- Có tiền sử bị ung thư
- Có dấu hiệu của một chứng bệnh tiềm ẩn như sốt hoặc tình trạng xuống cân không giải thích được.
- Cơn đau mới xảy ra ở các bệnh nhân trên 65 tuổi.
Kỹ Thuật Tạo Hình Cộng Hưởng Từ (MRI). Kỹ thuật tạo hình cộng hưởng từ (Magnetic resonance imaging -MRI) có thể cung cấp những hình ảnh rất rõ nét về các mô mềm và xương. Xét nghiệm này không gây đau nhức hoặc gây nguy hiểm, nhưng một số người có thể có chứng sợ hãi khoảng hẹp bít kín (claustrophobia) trong các máy chụp lướt. Chụp MRI có thể phát hiện các vết rách (nứt) ở các đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, hoặc vỡ đĩa đệm. Nó còn có thể phát hiện chứng hẹp cột sống, và các nguyên nhân gây đau lưng không liên quan đến cột sống, bao gồm nhiễm trùng và ung thư.
Chụp MRI thường phát hiện những bất thường ở cột sống mà sẽ không gây ra các triệu chứng ở bệnh nhân. Ít nhất 40% tất cả những người trưởng thành bị sưng lồi đĩa đệm hoặc đĩa đệm nhô ra, nhưng đa số những người này không bị đau lưng. Hơn nữa, mức độ bất thường của đĩa đệm được kỹ thuật MRI phát hiện thường có rất ít mối liên hệ đến mức độ nghiêm trọng của cơn đau nhức hoặc cần đến phẫu thuật. Các bất thường của đĩa đệm ở những người bị đau lưng có thể chỉ là một sự trùng hợp hơn là một dấu hiệu cho việc điều trị.
Bệnh nhân cũng có khuynh hướng cho rằng họ bị đau lưng nghiêm trọng nếu các bất thường được phát hiện ra khi chụp MRI, ngay cả khi các hình chụp này không đưa đến những thay đổi trong việc điều trị. Sự cảm nhận này thỉnh thoảng có thể làm chậm tiến trình hồi phục của bệnh nhân.
Trong quá trình chụp MRI, một ống nhỏ di chuyển bệnh nhân qua một máy có cấu trúc đường hầm. Bên trong máy này, các sóng vô tuyến đi qua một từ trường xung quanh bệnh nhân, tạo ra một hình ảnh 3 chiều của các cấu trúc bên trong cơ thể.
MRI là chữ viết tắt của Magnetic Resonance Imaging (kỹ thuật tạo ảnh cộng hưởng từ). Đây là một kỹ thuật khá mới cho phép tạo hình bên trong cơ thể mà không cần chụp X-quang hoặc dùng các loại bức xạ ion hóa khác. Một hình chụp MRI cho phép nhìn thấy chi tiết các mô khác nhau. Việc sử dụng kỹ thuật chụp MRI ngày càng gia tăng trong khi việc sử dụng kỹ thuật chụp X-quang truyền thống ngày càng giảm xuống.
Trong quá trình chụp CT, một tia X mỏng xoay quanh một khu vực của cơ thể, tạo ra một hình ảnh 3 chiều của cấu trúc bên trong cơ thể.
CT là viết tắt của computerized tomography (kỹ thuật chụp cắt lớp sử dụng vi tính). Trong tiến trình này, một tia X mỏng xoay quanh một khu vực của cơ thể cần được nhìn thấy. Bằng việc sử dụng một quy trình toán học khá phức tạp gọi là thuật giải hay angorit, máy vi tính có thể tạo ra hình ảnh 3 chiều của một phần cơ thể. Kỹ thuật chụp CT rất chi tiết và cung cấp thông tin chính xác cho bác sĩ.
Kỹ Thuật Chụp Lấp Lánh Xương và Kỹ Thuật Tạo Ảnh SPECT. Trong những trường hợp hiếm, các bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật chụp lấp lánh xương (bone scintigraphy: chụp lướt xương) để xác định các bất thường trong xương. Kỹ thuật này có thể rất hữu hiệu cho việc phát hiện sớm các vết nứt (gãy) của cột sống, bệnh ung thư lan truyền đến xương, hoặc các chứng bệnh viêm khớp. Trong quá trình chụp hình xương này, một số lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào một tĩnh mạch. Chất này tuần hoàn khắp cơ thể, và được xương hấp thu. Những xương này có thể được nhìn thấy bằng kỹ thuật chụp X quang hoặc kỹ thuật chụp SPECT (single photon emission computed tomography).
Trong phương pháp chụp X quang ống cột sống (x-ray myelogram) một chất phản quang đặc biệt được tiêm vào cột sống, và bệnh nhân cần phải nằm yên trong vài giờ để tránh tình trạng bị đau đầu trầm trọng. Kỹ thuật chụp này chỉ có lợi cho các bệnh nhân chọn lọc bị đau nhức khi di chuyển hoặc khi đứng. Kỹ thuật chụp này phần lớn đã được thay thế bởi kỹ thuật chụp lướt CT và MRI.
Các Kiểm Tra Phân Tích Dạng Sóng Điện Cơ - Thần Kinh (Electrodiagnostic Tests)
Các xét nghiệm phân tích các dạng sóng điện của các dây thần kinh và các cơ có thể rất hữu hiệu cho việc phát hiện những bất thường của dây thần kinh mà có thể các bất thường này sẽ gây ra đau lưng, và hữu hiệu cho việc xác định những thương tổn có thể đã xảy ra. Các xét nghiệm này cũng có thể hữu hiệu cho việc xác định xem bất cứ những phát hiện bất thường nào trong cấu trúc trên hình chụp MRI hoặc hình chụp của các xét nghiệm tạo ảnh khác có thật sự là nguyên nhân quan trọng gây ra chứng đau lưng không. Nên lưu ý rằng bất cứ những thương tổn nào về dây thần kinh mà ảnh hưởng đến các xét nghiệm này đều có thể không xuất hiện trong thời gian từ 2 đến 4 tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu khởi phát.
Các xét nghiệm dẫn truyền thần kinh và phép ghi điện cơ (electromyography) là các kiểm tra phân tích dạng sóng điện cơ-thần kinh được thực hiện phổ biến nhất. Các kiểm tra này thường không được sử dụng cho việc đánh giá và chăm sóc cho các bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng.
Các Kiểm Tra Khác
Chụp X Quang Đĩa Đệm Đốt Sống: Vì nhiều người có chứng cứ bị thoái hóa đĩa đệm trên hình chụp MRI, do đó thật khó để cho rằng phát hiện trên hình chụp MRI là nguyên nhân gây ra cơn đau nhức mà bệnh nhân gặp phải không. Chụp X quang đĩa đệm đốt sống (discography) là một kiểm tra được sử dụng để giúp xác định xem một đĩa đệm bất bình thường trên hình chụp MRI có phải là nguyên nhân gây đau nhức của bệnh nhân không. Phương pháp này thường được giành riêng cho các bệnh nhân không cảm thấy thuyên giảm bằng các trị liệu khác, bao gồm phẫu thuật. Tiến trình này đòi hỏi việc tiêm thuốc vào các đĩa đệm bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra cơn đau và các đĩa đệm lân cận. Việc tiêm thuốc này có thể sẽ gây đau nhức. Có một vấn đề gây ra tranh luận giữa các bác sĩ điều trị cột sống liên quan đến tính hiệu quả của phương pháp chụp X quang đĩa đệm cột sống trong việc đưa ra quyết định điều trị, đặc biệt là phẫu thuật.
Các mẫu máu và nước tiểu có thể được sử dụng để kiểm tra các trường hợp bị nhiễm trùng, viêm khớp, và các chứng bệnh khác.
Việc tiêm một loại thuốc có tác dụng ngăn chặn cơn đau nhức vào các dây thần kinh ở lưng sẽ giúp xác định khu vực cột sống xảy ra vấn đề.
Một tiến trình gọi là tiêm khớp mặt (facet block) cũng hiệu quả trong việc xác định các khu vực bị thương tổn cụ thể.
0 comments:
Post a Comment