Friday, February 27, 2015

BỆNH ZONA - BỆNH GIỜI LEO - GIỜI ĂN - GIỜI BÒ (SHINGLES) - Do LQT Biên Dịch


CÁC TRIỆU CHỨNG

Các Triệu Chứng của Bệnh Thủy Đậu

Khoảng thời gian giữa lúc tiếp xúc với virut và sự khởi phát của các triệu chứng được gọi là thời kỳ ủ bệnh.  Đối với bệnh thủy đậu (đậu mùa, trái rạ), khoảng thời gian này kéo dài từ 10 – 20 ngày.  Bệnh nhân thường lên cơn sốt, nhức đầu, sưng các tuyến, và có các triệu chứng giống cúm khác trước khi hiện tượng phát ban đặc thù xuất hiện.  Mặc dù đa số trẻ em sẽ bị sốt nhẹ, nhưng một số trường hợp cơn sốt có thể lên đến 105oF (khoảng 40,6oC).

Các triệu chứng này sẽ giảm bớt sau khi hiện tượng phát ban bắt đầu xuất hiện.  Một hoặc vài vết nổi đỏ nhỏ sẽ xuất hiện trước tiên, thường xuất hiện trên mặt, ngực, hoặc bụng.  Các đốm đỏ này sẽ gia tăng kích thước trong vòng vài giờ và lan ra rất nhanh, cuối cùng hình thành các mụn nước trên nền vết ban đỏ.  Số lượng các mụn nước thay đổi rất lớn.  Một số bệnh nhân chỉ có vài mụn nước, trong khi đó, các bệnh nhân khác có thể phát triển vài trăm mụn nước.  Mỗi mụn nước chứa đầy các dung dịch trong suốt, sau đó trở nên đục trong vòng vài ngày.  Mất khoảng 4 ngày để các mụn nước khô đi và hình thành vảy.  Trong thời gian mọc mụn nước, chỗ phát ban sẽ bị ngứa, thỉnh thoảng trở nên nghiêm trọng.  Thông thường, các đợt phát mụn nước riêng biệt xảy ra trong vòng 4 – 7 ngày, toàn bộ quá trình này kéo dài 7 – 10 ngày.

Bệnh thủy đậu (đậu mùa, trái rạ) thường chỉ xảy ra một lần, mặc dù rằng tình trạng nhiễm bệnh lần hai, đặc trưng bởi hiện tượng phát ban rõ rệt, đã được báo cáo ở các trẻ em nhiều năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên.

Các Triệu Chứng của Cơn Phát Bệnh Zona Điển Hình

Bệnh zona thường xảy ra ở người thành niên.  Bệnh này sẽ phát triển ở một bên của cơ thể.  Thông thường, 2 và thỉnh thoảng 3 giai đoạn xuất hiện triệu chứng rõ rệt sẽ xảy ra:

-      Giai đoạn đầu được gọi là triệu chứng cảnh báo (prodrome), một loạt các triệu chứng cảnh báo, xuất hiện trước khi tình trạng nhiễm bệnh khởi phát.
-      Giai đoạn hai bao gồm các triệu chứng của chính tình trạng nhiễm bệnh.
-      Ở nhiều bệnh nhân, triệu chứng thứ 3 được gọi là chứng đau nhức thần kinh hậu herpes (PHN) phát triển sau đó.

Tình trạng đau nhức thường xảy ra ở tất cả các giai đoạn của bệnh herpes zoster (giời leo, giời ăn, giời bò), và bác sĩ thường định nghĩa tất cả các triệu chứng này bằng thuật ngữ: Tình Trạng Đau Nhức Liên Quan Đến Bệnh Zona (Zoster-Associated Pain – ZAP).

Triệu Chứng Cảnh Báo (Tình Trạng Đau Nhức)

-      Đau nhức là một triệu chứng chính ban đầu của bệnh zona (giời leo, giời ăn, giời bò), và nó xảy ra ở tất cả bệnh nhân.  Tình trạng đau nhức thường xảy ra nhất là trên da ở các khu vực virut tái kích hoạt.  Bệnh nhân có thể cảm thấy bị đau nhói, đau âm ĩ, đau như kim đâm, đau xé da, hoặc tương tự như bị điện giật.
-      Khu vực da bị ảnh hưởng có thể bị ngứa, có cảm giác tê, và bị đau khi chạm vào.  Thông thường, bệnh nhân cảm thấy các cảm giác này xảy ra cùng lúc cộng với tình trạng đau nhức.
-      Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng giống bệnh cúm, chẳng hạn như đau nhức cơ.  (Một số bệnh nhân sẽ bị sốt, nhưng thường không phổ biến).

Giai đoạn các triệu chứng cảnh báo kéo dài từ 1 – 5 ngày trước khi tình trạng nhiễm bệnh và phát ban ở da bùng phát.  Thỉnh thoảng, cơn đau nhức có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi ban đỏ bùng phát.

Bệnh Zona Hoạt Tính.  Tình trạng phát ban, đánh dấu sự nhiễm bệnh, đi theo vết của các dây thần kinh bị viêm trong giai đoạn đau nhức cảnh báo.  Có khoảng 50 – 60% các trường hợp xuất hiện vết ban đỏ ở phần thân.  Kế đến là khu vực đầu, đặc biệt ở một bên mặt.  Ban đỏ cũng có thể nổi ở cổ hoặc phần lưng dưới.  Nếu gương mặt bị nhiễm, thì tình trạng nhiễm trùng có nguy cơ lây lan đến mắt hoặc miệng.  Một vết ban đỏ đi dọc cạnh mũi là dấu hiệu giác mạc mắt sẽ bị nguy hiểm. 


Bức hình này cho thấy bệnh nhân bị bệnh herpes zoster (giời leo, giời ăn, giời bò) ở cổ và khu vực má.  Virut gây bệnh thủy đậu (đậu mùa, trái rạ) cũng chính là virut gây bệnh zona (giời leo, giời ăn, giời bò).  Sự bùng phát bệnh zona thường đi theo hướng phân phối các dây thần kinh ở da.  Kiểu phân phối này được gọi là dermatome.













Tình trạng nhiễm trùng hoạt tính thường được đánh dấu bởi các hiện tượng tiếp nối sau đây:

-      Ban đỏ xuất hiện, bắt đầu bằng các chấm đỏ, nhỏ, rõ ràng.
-      Trong vòng từ 12 – 24 giờ, các chấm đỏ này sẽ phát triển thành các mụn nước nhỏ.
-      Các mụn nước này tiếp tục phát triển, hợp nhất với nhau, và trở thành mụn mủ.
-      Tình trạng đau nhức thường xảy ra trong thời gian bị nhiễm bệnh
-      Trong vòng 7 – 10 ngày (giống như bệnh thủy đậu), các mụn này hình thành vảy và lành lại.  Trong một số trường hợp, có thể mất khoảng một tháng thì các mụn này mới hoàn toàn biến mất.  Các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu có thể phải mất một thời gian lâu hơn để lành bệnh, trong trường hợp như vậy, các mụn này có thể kéo dài nhiều tháng.

Tình Trạng Đau Nhức Không Phát Ban.  Thỉnh thoảng cơn đau nhức xuất hiện nhưng không bị phát ban, tình trạng này gọi là zoster sine herpete.  Hiện tượng này thường xảy ra ở các bệnh nhân cao tuổi.  Các triệu chứng bao gồm đau rát hoặc đau nhói, cảm giác tê, ngứa ran, ngứa, nhức đầu, lên cơn sốt, ớn lạnh, và buồn nôn.  Sự chẩn đoán chính xác kịp thời bệnh zona (giời leo, giời ăn, giời bò) trong các trường hợp này thường rất khó.  Một số chứng cứ cho thấy rằng một số trường hợp bị chứng tê liệt Bell (Bell’s palsy) (trong đó một phần của mặt bị liệt) có thể thực sự là dấu hiệu của tình trạng đau nhức không phát ban(zoster sine herpete).

Chứng Đau Nhức Thần Kinh Hậu Herpes.  Tình trạng đau nhức này kéo dài hơn một tháng sau khi bệnh herpes zoster (giời leo, giời ăn, giời bò) khởi phát.  Chứng đau nhức thần kinh hậu herpes xảy ra ở khoảng 10 – 20% số người mắc bệnh zona (giời leo, giời ăn, giời bò).




















0 comments:

Post a Comment