Friday, February 27, 2015

BỆNH SUYỄN (ASTHMA) - Do LQT Biên Dịch


CHẨN ĐOÁN

Khi bị nghi ngờ mắc bệnh suyễn, bệnh nhân nên mô tả cho bác sĩ biết các mô hình bệnh liên quan đến các triệu chứng và các yếu tố bùng phát đột ngột tiềm tàng, bao gồm:

-      Các triệu chứng thường xảy ra hơn vào mùa xuân hay mùa thu (đây là các mùa dị ứng).
-      Thể dục, nhiễm trùng đường hô hấp, hay tiếp xúc với không khí lạnh có bao giờ gây ra cơn suyễn không.
-      Bệnh sử gia đình về bệnh suyễn hoặc các rối loạn về dị ứng, chẳng hạn như bệnh chàm (eczema), bệnh mày đay (hives), hoặc dị ứng phấn hoa (hay fever).
-      Tiếp xúc với các chất hóa học dài hạn hoặc tại nơi làm việc.  Nếu các triệu chứng được cải thiện vào cuối tuần và khi nghĩ phép, nhưng trở nên trầm trọng tại nơi làm việc, thì công việc này có khả năng là nguyên nhân gây ra bệnh suyễn, tuy nhiên điều này không luôn luôn đúng.

Loại Trừ Các Chứng Bệnh Khác

Một số các rối loạn có thể gây ra một vài hoặc tất cả các triệu chứng của bệnh suyễn:

-      Bệnh suyễn và các chứng bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (bệnh viêm phế quản mãn tính và khí thũng) ảnh hưởng đến phổi theo những cách giống nhau, thật vậy, và có thể tất cả đều xuất hiện trong cùng một bệnh nhân.  Không giống các chứng bệnh phổi mãn tính khác, bệnh suyễn thường xuất hiện lần đầu ở các bệnh nhân dưới 30 tuổi và có hình chụp X-quang bình thường.  Tuy nhiên, khó có thể phân biệt được các rối loạn này ở một số bệnh nhân thành niên bị bệnh suyễn trễ.
-      Rối loạn hoảng sợ (panic disorder) có thể trùng hợp hoặc bị lầm lẫn với bệnh suyễn.
-      Các chứng bệnh khác phải nên được xem xét trong khi chẩn đoán là: viêm phổi (pneumonia), viêm phế quản (bronchitis), các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nghẽn mạch phổi (pulmonary embolism), ung thư, suy tim, các khối u, bệnh tâm thần cơ thể (psychosomatic illnesses), và một số rối loạn hiếm (chẳng hạn như sán dây và bệnh viêm âm đạo do trùng mảng uốn đuôi roi).

Các Xét Nghiệm Chức Năng Phổi

Nếu các triệu chứng và bệnh sử cho thấy bệnh nhân bị bệnh suyễn, thì bác sĩ thường sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm chức năng phổi (pulmonary function test) để xác nhận việc chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của chứng bệnh.

Sử dụng máy đo dung tích phổi (spirometer), một dụng cụ đo không khí được phổi hít vào và thở ra, bác sĩ sẽ xác định một vài số đo:

-      Dung tích cần thiết (vital capacity – VC), là thể tích không khí tối đa mà phổi có thể hít vào hoặc thở ra.
-      Tỉ lệ lưu lượng thở ra tối đa (peak expiratory flow rate – PEFR), thường được gọi là tỉ lệ lưu lượng tối đa, là tỉ lệ lưu lượng tối đa được tạo ra trong lúc cố gắng thở ra.
-      Dung tích cố gắng thở ra (forced expiratory volume – FEV1), là dung tích không khí tối đa được thở ra trong một giây.


Spirometry measures how fast and how much air you breathe out: Máy đo dung tích phổi xác định tốc độ và số lượng không khí bạn thở ra. 

Máy đo dung tích phổi là một xét nghiệm (không gây đau nhức) về dung tích không khí và tỉ lệ lưu lượng bên trong phổi.  Máy đo dung tích phổi thường được sử dụng để đánh giá chức năng phổi ở những người bị các chứng bệnh tắc nghẽn phổi (obstructive lung disease) hoặc giới hạn khả năng nở phồng của phổi (restrictive lung disease), chẳng hạn như bệnh suyễn hoặc xơ nang (cystic fibrosis).


Nếu các đường dẫn khí bị tắc nghẽn, các số đo này sẽ giảm xuống.  Tùy thuộc vào các kết quả, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau đây:

-      Nếu các số đo hạ xuống, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân hít vào thuốc giãn phế quản (bronchodilator).  Loại thuốc này được dùng cho bệnh suyễn để khai thông các đường dẫn khí.  Bệnh nhân sẽ được đo lại lần nữa.  Nếu các số đo trở nên bình thường hơn, thì loại thuốc này có khả năng đã khai thông các đường dẫn khí, như vậy có khả năng bệnh nhân bị bệnh suyễn.
-      Nếu các số đo không cho thấy tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp, nhưng vẫn nghi ngờ là có bệnh suyễn, thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành một xét nghiệm thách thức (chanllenge test).  Xét nghiệm này bao gồm việc sử dụng một loại thuốc đặc trị (histamine hoặc methacholine), loại thuốc này thường sẽ làm tăng tính đề kháng của đường hô hấp khi hít thở (airway resistance) chỉ khi nào có bệnh suyễn.  Xét nghiệm thách thức có thể rất có lợi trong việc loại trừ bệnh suyễn nghề nghiệp (occupational asthma).  Xét nghiệm này chưa chắc là luôn luôn chính xác, đặc biệt ở các bệnh nhân có triệu chứng duy nhất là ho dai dẳng.
-      Sử dụng hơi lạnh là một phương pháp khác để tạo ra tính đề kháng đường hô hấp.  Xét nghiệm này rất chính xác trong việc loại trừ bệnh suyễn, nhưng xét nghiệm này không đủ nhạy cảm để xác định chính xác bệnh suyễn ở những người thành niên.

Các Xét Nghiệm Dị Ứng

Bệnh nhân có thể sẽ tiếp nhận các xét nghiệm dị ứng da hoặc dị ứng máu, đặc biệt nếu có chất gây dị ứng bị nghi ngờ và có thể xét nghiệm được.  Các xét nghiệm dị ứng da (allergy skin test) có thể giúp chẩn đoán bệnh suyễn do dị ứng, mặc dù rằng các xét nghiệm này không được đề xuất cho những người bị bệnh suyễn hoạt tính quanh năm.


Skin prick or scratch test kit: Dụng cụ xét nghiệm châm da hoặc làm xước da

Một trong những phương pháp xét nghiệm dị ứng là xét nghiệm châm da hoặc làm xước da (scratch or skin prick test).  Xét nghiệm này bao gồm việc cho một số lượng nhỏ chất gây dị ứng bị nghi ngờ lên da (thường là ở cẳng tay, bắp tay, hoặc lưng), sau đó làm xước da hoặc châm vào da để cho chất gây dị ứng đi qua da.  Da sẽ được quan sát kỹ để phát hiện dấu hiệu phản ứng, thường bao gồm tình trạng sưng và nổi đỏ ở khu vực được châm hoặc bị làm xước.  Với xét nghiệm này, một vài loại chất gây dị ứng bị nghi ngờ có thể được xét nghiệm cùng một lúc.  Các kết quả thường được công bố trong vòng 20 phút.
















0 comments:

Post a Comment