QUẢN LÝ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TẠI NHÀ
Hàm Lượng Glucose (Đường Trong Máu)
Cả hai tình trạng đường trong máu thấp (hypoglycemia) và đường trong máu cao (hyperglycemia) là những mối lo ngại cho các bệnh nhân sử dụng insulin. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi một cách cẩn thận hàm lượng glucose trong máu. Nhìn chung, các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) nên đo hàm lượng đường 4 hoặc nhiều lần mỗi ngày. Các bệnh nhân nên đạt được các số đo sau đây:
- Hàm lượng glucose trước bữa ăn là 90 – 120 mg/dL
- Hàm lượng vào giờ đi ngủ là 110 – 150 mg/dL
Các chỉ tiêu khác nhau có thể cần thiết cho những cá nhân đặc biệt, bao gồm phụ nữ mang thai, những người quá cao tuổi và những người quá trẻ, và những người hiện có các chứng bệnh nghiêm trọng.
Xét Nghiệm Châm Kim Vào Ngón Tay. Một xét nghiệm hàm lượng đường trong máu điển hình bao gồm các bước sau:
- Một giọt máu được thu thập bằng cách châm vào ngón tay.
- Máu này sau đó được cho thấm vào một băng thử mà băng này được xử lý bằng chất hóa học.
- Các máy đo sẽ đọc và cung cấp các kết quả.
Các máy đo đường trong máu dùng cho gia đình kém chính xác hơn các máy đo ở phòng xét nghiệm khoảng 10 – 15%, và nhiều máy đo không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp Hội Bệnh Tiểu Đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association). Tuy nhiên, đa số các bác sĩ tin rằng các máy đo này đủ chính xác để cho biết khi nào hàm lượng đường trong máu xuống quá thấp.
Để theo dõi hàm lượng glucose trong máu, bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra máu thường xuyên. Tiến trình này tương đối đơn giản và thường có thể được thực hiện tại nhà.
Một số tiến trình đơn giản có thể cải thiện độ chính xác:
- Kiểm tra máy đo mỗi tháng một lần.
- Hiệu chuẩn lại (recalibrate) máy đo bất cứ khi nào sử dụng gói băng thử mới.
- Sử dụng các băng thử mới; các băng thử đã quá hạn sẽ không cung cấp các kết quả chính xác.
- Giữ cho máy đo sạch sẽ.
- So sánh định kỳ các kết quả của máy đo dùng cho gia đình với các kết quả của phòng xét nghiệm.
Các Dụng Cụ Đo Bổ Sung. Các dụng cụ đo khác cũng được bán trên thị trường để đo hàm lượng glucose trong máu. Các dụng cụ này được dùng bổ sung cho các dụng cụ xét nghiệm châm kim ngón tay truyền thống và các máy đo glucose, nhưng không được dùng để thay thế:
- Các hệ thống đo glucose liên tục (Continuous glucose monitoring systems - CGMS) sử dụng một cảm biến có dạng kim được đưa vào dưới da bụng để đo hàm lượng glucose theo chu kỳ 5 phút. Vào năm 2007, Hệ Thống STS-7 đã được phê chuẩn. Sử dụng loại cảm biến dùng 1 lần, hệ thống STS-7 đo hàm lượng glucose lên đến một tuần. Một tín hiệu báo động sẽ reo lên nếu mức glucose quá cao hoặc xuống thấp. Hệ thống Minimed phiên bản cũ đo hàm lượng glucose trong vòng 72 giờ và sử dụng kỹ thuật không dây để kết nối thông tin giữa máy đo và dụng cụ bơm insulin.
- GlucoWatch là một dụng cụ đeo cổ tay như đồng hồ sử dụng pin, dụng cụ này đo hàm lượng glucose bằng cách gửi đi các dòng điện nhỏ qua da, một kỹ thuật được gọi là điện chuyển ion đổi chiều (reverse iontophoresis). Nó không gây đau và có một thiết bị cảnh báo khi phát hiện hàm lượng glucose lên cao. Dụng cụ này cần 2 giờ để khởi động, và các miếng cảm biến cần phải được thay đổi mỗi ngày. Đồng hồ đo glucose Glucowatch đo hàm lượng glucose 3 lần mỗi giờ lên đến 12 giờ. Tuy nhiên, khoảng ¼ các lần đo, các kết quả khác với xét nghiệm châm kim vào tay một cách đáng kể.
Glycosylated Hemoglobin
Hemoglobin A1c (còn được gọi là HbA1c , HA1c, hoặc A1C) được kiểm tra theo chu kỳ 2 – 3 tháng để xác định hàm lượng đường trung bình trong máu trong suốt tuổi thọ của tế bào máu đỏ (hồng huyết cầu). Nên duy trì hàm lượng bình thường A1c thấp hơn 7%. Các xét nghiệm tại nhà cũng có thể kiểm tra được hàm lượng A1c.
Các Xét Nghiệm Nước Tiểu
Các xét nghiệm nước tiểu rất có ích cho việc phát hiện sự hiện diện của xeton (ketone). Nên thực hiện các xét nghiệm này trong lúc bị bệnh hoặc bị căng thẳng, lúc đó bệnh tiểu đường có khuynh hướng không kiểm soát được. Bệnh nhân cũng nên thực hiện các xét nghiệm nước tiểu hàng năm để phát hiện chứng anbumin vi niệu (microalbuminuria: có một số lượng nhỏ protein trong nước tiểu), một yếu tố nguy cơ gây bệnh thận trong tương lai.
Ngăn Ngừa Tình Trạng Giảm Glucose Trong Máu
Các lời khuyên sau đây giúp tránh được tình trạng giảm glucose trong máu hoặc chuẩn bị cho cơn bệnh tấn công.
- Ăn qua loa trước giờ đi ngủ là được khuyến khích nếu hàm lượng glucose trong máu xuống thấp hơn 180 mg/dL (10 mmol/L). Các loại thức ăn vặt chứa protein có thể là tốt nhất.
- Có một nghiên cứu đã cho thấy rằng trẻ em (đặc biệt là các trẻ em gầy ốm) có nhiều nguy cơ hơn gặp phải tình trạng giảm glucose trong máu bởi vì thuốc tiêm sẽ đi vào mô cơ. Véo da để tiêm vào phần mô mỡ (không phải phần mô cơ) hoặc sử dụng các kim tiêm ngắn hơn có thể sẽ tốt hơn.
- Có nhiều dạng insulin hiện bán trên thị trường có thể làm giảm bớt nguy cơ này. Ví dụ, dùng loại insulin có tác dụng nhanh (insulin lispro) trước bữa cơm tối có thể đặc biệt có ích trong việc ngăn ngừa tình trạng giảm glucose trong máu vào thời điểm đi ngủ hoặc suốt đêm.
- Các bệnh nhân cố gắng kiểm soát hàm lượng đường trong máu của họ nên đo máu thường xuyên, mỗi ngày 4 lần hoặc nhiều hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân không nhận biết được tình trạng giảm glucose trong máu.
- Ở những người thành niên, điều đặc biệt quan trọng là nên đo hàm lượng glucose trong máu trước khi điều khiển xe, vì lúc đó tình trạng giảm glucose trong máu có thể rất nguy hiểm.
- Các bệnh nhân có nguy cơ bị tình trạng giảm glucose trong máu nên luôn luôn mang theo kẹo, nước ép (juice), các gói đường, hoặc các dạng thay thế glucose có bán trên thị trường.
Gia đình và bạn bè nên lưu ý đến các triệu chứng và phải luôn trong tinh thần chuẩn bị:
- Nếu bệnh nhân cần sự giúp đỡ (nhưng vẫn tỉnh táo), gia đình và bạn bè nên cho sử dụng 3 đến 5 viên kẹo, 2 đến 3 gói đường, một ly (4 ounce hoặc 118 mL) nước ép trái cây, hoặc dung dịch glucose có bán trên thị trường.
- Nếu không có phản ứng đầy đủ trong vòng 15 phút, nên cho bệnh nhân dùng thêm đường bằng miệng và có thể cần được điều trị khẩn cấp, có thể bao gồm truyền dung dịch glucose qua tĩnh mạch.
- Các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể cần học cách tiêm glucagon, một dạng kích thích tố, trái ngược với insulin, glucagon làm tăng hàm lượng glucose trong máu.
Vial containing dry glucagon tab: Lọ thuốc có chứa glucagon dạng viên khô
Syringe with diluting solution: Ống tiêm với dung dịch pha loãng
1. Add diluting solution to vial: Cho dung dịch pha loãng vào lọ thuốc
2. Shake vial to dissolve glucagon tab: Lắc lọ thuốc để hòa tan viên glucagon
3. Draw glucagon into syringe: Hút glucagon đã được hòa tan vào ống tiêm
4. Inject: Tiêm cho bệnh nhân
Glucagon là một kích thích tố tác dụng nhanh được dùng để làm tăng mức glucose trong máu một cách nhanh chóng. Nó được sử dụng bằng cách tiêm cho bệnh nhân tiểu đường trong những trường hợp gặp phải các triệu chứng của tình trạng giảm glucose trong máu, chẳng hạn như rối loạn tinh thần, tai biến ngập máu, hoặc bất tỉnh.
Các bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) loại 1 nên luôn luôn mang theo vòng đeo tay nhận diện báo động y tế (medical alert ID bracelet) hoặc dây đeo ở cổ xác nhận họ mắc bệnh tiểu đường và đang sử dụng insulin.
Chăm Sóc Bàn Chân
Các Biện Pháp Phòng Chống Các Vết Loét Ở Bàn Chân. Phương pháp chăm sóc bàn chân có tính phòng tránh có thể làm giảm bớt đáng kể nguy cơ bị các vết loét và cắt cụt bàn chân. Một vài đề xuất để ngăn ngừa những vấn đề bao gồm:
- Các bệnh nhân nên xem xét tỉ mỉ các bàn chân mỗi ngày và quan sát các thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu, mùi, và các khu vực trở nên cứng và chắc, mà có thể báo hiệu tình trạng bị nhiễm trùng và có khả năng bị loét.
- Khi rửa chân, nên dùng nước ấm (không nóng), bàn chân và các kẽ ngón chân nên được lau khô hoàn toàn sau khi rửa. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng tay hoặc bằng nhiệt kế trước khi cho chân vào.
- Thoa (bôi) kem dưỡng da, nhưng không thoa (bôi) kem vào các kẽ ngón chân.
- Nhẹ nhàng dùng thanh xốp (pumice) để mài những cục chai ở ngón chân và các cục chai ở da chân.
- Cắt ngắn các móng chân và mài giũa các góc cạnh của móng để tránh trường hợp cắt vào các ngón chân bên cạnh.
- Giày dép mang vừa vặn cũng rất quan trọng. Mọi người nên mang giày đủ rộng. Các bệnh nhân cũng nên tránh mang giày cao gót, dép hoặc xăng đan, dép kẹp, và tránh đi chân không. Các loại giày có đế hình đường quanh (chu tuyến) giúp giảm bớt áp lực dưới gót chân và phía trước của bàn chân và có thể đặc biệt có ích. Các loại giày ống được đóng theo yêu cầu của khách hàng giúp gia tăng bề mặt tiếp xúc mà áp lực của bàn chân được phân phối đều. Điều này làm giảm áp lực lên các vết loét và cho phép chúng mau lành.
- Thay đổi giày thường xuyên trong ngày.
- Mang tất (vớ), đặc biệt các loại có thêm lớp đệm (mà có thể đặt mua).
- Các bệnh nhân nên tránh mang các loại vớ quá chặt (che bàn chân và cẳng chân) hoặc các loại mà làm co thắt cẳng chân và bàn chân.
- Tham khảo với chuyên gia chăm sóc bàn chân khi gặp bất cứ vấn đề gì.
Thoroughly inspect your feet daily, and keep them clean and dry: Kiểm tra tỉ mỉ bàn chân của bạn mỗi ngày, và giữ cho chúng được sạch và khô.
Những người bị bệnh tiểu đường có khả năng bị các vấn đề về chân bởi vì chứng bệnh này có thể gây tổn thương đến các mạch máu và dây thần kinh, mà có thể dẫn đến khả năng cảm nhận tổn thương ở chân bị suy giảm. Sự tuần hoàn máu cũng bị thay đổi, do đó người bệnh tiểu đường không thể chống lại sự nhiễm trùng một cách hiệu quả.
0 comments:
Post a Comment