NGĂN NGỪA VÀ TỰ CHĂM SÓC
Bệnh nhân nên hiểu rằng họ có khả năng cải thiện trong tháng đầu tiên sau khi chứng đau vùng thắt lưng bắt đầu, thường không cần đến điều trị.
Các hướng dẫn chăm sóc tại nhà giúp giảm đau
- Bắt đầu trở lại sinh hoạt bình thường càng sớm càng tốt. Nằm nghỉ trên giường không còn được khuyến khích và có thể làm chậm tiến trình hồi phục. Nên thực hiện các hoạt động không mang tính kéo căng và kéo giãn.
- Tránh tập thể dục nặng và các hoạt động thể lực căng thẳng, đặc biệt là nâng vật nặng và xoay người, nếu như bị đau lưng cấp tính.
- Thử dùng loại thuốc kháng viêm không steroid không cần toa bác sĩ như aspirin hoặc ibuprofen. Các loại thuốc này thường rất hiệu quả.
- Áp dụng nhiệt (104oF hoặc 40oC) vào khu vực bị đau. Hơi nóng có thể có hiệu quả tốt hơn thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen. Một nhóm các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những người bị đau vùng thắt lưng nếu đeo những miếng (túi, băng) đắp cung cấp nhiệt ở nhiệt độ ấm 8 giờ mỗi ngày sẽ rất ít bị đau và bị tình trạng tàn tật (disability).
- Thử thay đổi luân phiên túi nóng (hot pack) và túi lạnh. Một số bác sĩ khuyến khích thay đổi từ nóng sang lạnh cứ mỗi 3 phút và lập lại sự phối hợp này 3 lần. Các bác sĩ khác tin rằng túi lạnh (ice pack) nên được đắp trước tiên. Phương pháp này nên được thực hiện 2 hoặc 3 lần mỗi ngày. (Lưu ý: Điều trị bằng nhiệt và hơi lạnh không có nhiều hiệu quả đối với chứng đau thần kinh tọa).
- Dây đeo thắt lưng, đai lưng, hoặc áo hỗ trợ lưng có thể giúp ích tạm thời cho một số người, nhưng các sản phẩm này có thể làm giảm sự rắn chắc của cơ bắp theo thời gian và chỉ nên được sử dụng ngắn hạn.
- Ngủ thật nhiều. Giấc ngủ ngon đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hồi phục. Tránh uống chất caffeine vào buổi chiều và buổi tối, và làm giảm căng thẳng trước khi ngủ bằng cách tắm nước ấm hoặc thực hiện các bài tập thư giãn. Thật khó để ngủ ngon khi phải chịu đựng cơn đau lưng, đặc biệt là vì cơn đau có thể tăng cường độ vào ban đêm. Một số người có thể cần sử dụng thuốc để giúp kiểm soát cơn đau vào ban đêm hoặc để giúp trị chứng mất ngủ. Nằm với tư thế co người lại giống như bào thai với một cái gối nằm giữa hai đầu gối hoặc nằm hướng mặt lên với một cái gối nằm dưới đầu gối có thể giúp ích được.
- Theo một nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, Yoga giúp hạ giảm cơn đau vùng thắt lưng hiệu quả hơn việc tập thể dục truyền thống hoặc các loại sách tự trợ giúp (self-help books). Theo nghiên cứu này, 101 người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng được phân thành 3 nhóm một cách ngẫu nhiên. Một nhóm tham gia các lớp và các bài học về yoga; nhóm thứ hai thực hiện môn thể dục aerobic, tập tạ, và môn tập kéo giãn; nhóm thứ ba đọc sách tự trợ giúp về đau lưng. Sau 12 tuần, những người tham gia môn yoga có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động hàng ngày mà đòi hỏi sử dụng đến lưng hơn so với những người ở hai nhóm kia. Sau 26 tuần, những người tham gia môn yoga ít bị đau hơn và các chức năng lưng hoạt động tốt hơn, cũng như ít sử dụng thuốc giảm đau hơn những người khác.
- Tập thể dục, chế độ ăn uống, stress, và cân nặng, tất cả đều có ảnh hưởng rất lớn đến đau lưng. Thay đổi một số yếu tố trong lối sống có thể giúp giảm bớt, và có thể ngăn ngừa đau lưng.
Bỏ Hút Thuốc Lá
Những người hút thuốc lá có nhiều nguy cơ bị các chứng bệnh về lưng, có lẽ bởi vì hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn. Mối liên kết này cũng có thể là do một lối sống không khỏe mạnh nói chung. Một nghiên cứu của Anh Quốc đã cho thấy rằng những thanh niên hút thuốc lá trong một thời gian dài sẽ có khả năng gấp hai lần phát triển chứng đau vùng thắt lưng so với những người không hút thuốc lá.
Tập Thể Dục và Chứng Béo Phì
Lối Sống Ít Vận Động. Những người không tập thể dục đều đặn phải đối phó với nguy cơ gia tăng bị đau vùng thắt lưng, đặc biệt khi họ thực hiện các vận động đột ngột, và gây nhiều căng thẳng như xúc tuyết, đào đất, hoặc di chuyển các vật nặng. Mặc dù không có các nghiên cứu rõ ràng nào được thực hiện để xác thực mối liên hệ giữa việc thiếu tập thể dục và chứng đau vùng thắt lưng, nhưng một số bác sĩ tin rằng một lối sống ít hoạt động có thể chịu trách nhiệm cho một số trường hợp. Thiếu tập thể dục sẽ dẫn đến các tình trạng sau đây mà có thể gây hại đến vùng lưng:
- Xơ cứng các cơ, có thể gây khó khăn trong việc di chuyển, xoay vòng, và khom lưng.
- Các cơ bụng suy yếu có thể làm tăng sự kéo căng ở lưng và có thể gây ra tình trạng nghiêng bất thường của khung chậu.
- Các cơ lưng suy yếu có thể làm tăng nguy cơ bị tình trạng đè nén đĩa đệm đốt sống.
- Chứng béo phì tạo thêm sức nặng lên cột sống và làm tăng áp lực lên các đốt sống và các đĩa đệm. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu báo cáo rằng mối liên hệ giữa chứng béo phì và chứng đau vùng thắt lưng không mang tính thuyết phục.
Tập Thể Dục Quá Mức Hoặc Không Đúng Cách. Tập thể dục quá mức hoặc không đúng cách cũng có thể làm cho các nhân đó có nhiều khả năng bị đau lưng.
- Một nghiên cứu nào đó cho rằng tập thể dục quá mức và có tính va chạm cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thái hóa đĩa đệm đốt sống. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến những người chơi tennis đã không tìm thấy nguy cơ gia tăng bị chứng đau vùng thắt lưng hoặc chứng đau thần kinh tọa.
- Khoảng 30 – 70% những người chạy xe đạp mắc phải chứng đau vùng thắt lưng. Có một nghiên cứu đã tiết lộ rằng 70% những người chạy xe đạp báo cáo có cải thiện, đơn thuần bằng việc điều chỉnh góc độ của yên xe đạp.
- Hướng dẫn tập thể dục không đúng cách và không chú ý đến các chuyển động của cơ thể có thể dẫn đến các vấn đề về lưng. Ví dụ, một cú đánh giật quả bóng gôn hoặc sử dụng không đúng dụng cụ tập thể dục [đặc biệt là những quả tạ, máy tập tạ, và những máy chèo (rowing machine)] có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng về lưng.
Rowing machine: Máy tập chèo
Hướng dẫn cho Các Sinh Hoạt Vận Động và Không Vận Động Hàng Ngày
Cách thức một người di chuyển, đứng, hoặc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với chứng đau lưng.
- Việc duy trì tư thế chuẩn là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là phải giữ cho tai, vai, và hông cùng nằm trên một đường thẳng, với đầu hướng thẳng và bụng hóp vào. Tốt nhất là không nên đứng lâu. Nếu cần thiết, đi bộ nhiều và không mang giầy cao gót, tốt nhất là giầy có đệm bên trong. Sử dụng ghế gác chân (foot stool) thấp và luân phiên đặt 1 chân lên ghế đó.
- Tư thế ngồi sẽ tạo nhiều áp lực nhất lên lưng. Ghế ngồi phải có phần dựa lưng thẳng, hoặc có nệm hỗ trợ cho vùng thắt lưng. Nếu có thể, ghế ngồi có thể xoay được để tránh tình trạng vặn eo, có phần dựa tay, và phần dựa lưng có thể điều chỉnh được. Trong khi ngồi, đầu gối nên ở vị trí cao hơn vùng hông một chút, vì thế ghế gác chân hoặc đệm ngồi rất hữu hiệu cho việc gác chân lên đó. Một cái gối nhỏ hoặc một cái khăn tắm cuộn tròn lại đặt phía sau vùng thắt lưng có thể giúp giảm áp lực trong khi ngồi hoặc lái xe hơi.
- Ngồi trên xe hoặc lái xe hơi (xe con) khá lâu sẽ làm gia tăng áp lực. Di chuyển ghế bên người lái gần với tay lái hơn để tránh tình trạng khom lưng về phía trước. Phần dựa lưng của ghế xe không nên nghiêng về phía sau quá 30 độ. Nếu có thể, phần nệm ngồi nên được nghiêng lên trên phía trước một chút. Cứ mỗi giờ, người đi du lịch lái xe nên ngừng xe và đi tản bộ. Tránh nâng hoặc vác đồ vật ngay sau khi đi xe.
- Một nguyên nhân phổ biến của chứng đau lưng tạm thời ở trẻ em là đeo ba lô quá nặng. Ba lô không nên nặng quá 20% cân nặng của trẻ em. Các trẻ em nhỏ tuổi nên đeo ba lô thật nhẹ. Các vấn đề về tình cảm và hành vi cũng có thể được cho là nguyên nhân gây ra chứng đau lưng ở trẻ em.
Các Hướng Dẫn cho Tư Thế Nâng (Nhấc) và Khom Lưng
Bất kỳ ai thực hiện việc nâng (nhấc) vật nặng nên hết sức lưu ý khi nâng (nhấc) và khom lưng
- Nếu một vật quá nặng hoặc khó xử lý, hãy tìm người giúp.
- Dạng hai chân ra để tạo tư thế đứng vững.
- Đứng thật gần vào vật cần được nâng (nhấc)
- Khuỵu (cong) đầu gối, chứ không phải vùng eo. Khi bạn di chuyển lên xuống, gồng các cơ bụng và hóp vùng mông vào để cho khung chậu cong bên dưới và cột sống duy trì hình chữ S. (Ngay cả khi không nâng một vật nào, phải luôn cố gắng sử dụng tư thế này khi vừa khom người vừa ngồi xuống).
- Giữ cho vật được nâng gần sát vào cơ thể để giảm bớt sức nặng cho lưng.
- Khi nâng (nhấc) phải sử dụng các cơ ở chân, chứ không sử dụng các cơ ở lưng.
- Khi đứng dậy không được khom lưng.
- Không bao giờ được vặn vùng eo trong khi khom lưng hoặc nâng bất cứ vật nặng nào. Nếu bạn muốn di chuyển một vật sang một hướng nào đó, hãy di chuyển các ngón chân rồi xoay người về hướng đó.
- Nếu một vật có thể di chuyển không cần nâng (nhấc), thì nên kéo vật đó, đừng nên đẩy.
There are four natural curves in the vertebral column: Có 4 cung tự nhiên ở cột sống
Cervical curvature: cung đốt sống cổ
Thoracic curvature: cung đốt sống ngực
Lumbar curvature: cung đốt sống thắt lưng
Sacral curvature: cung xương cùng
Có 4 cung tự nhiên ở cột sống: cung đốt sống cổ, cung đốt sống ngực, cung đốt sống thắt lưng, và cung xương cùng. Các cung đốt sống, cùng với các đĩa đệm đốt sống, giúp hấp thu và phân phối áp lực do các sinh hoạt hàng ngày chẳng hạn như đi bộ hoặc từ các hoạt động mạnh như chạy và nhảy.
0 comments:
Post a Comment