Friday, February 27, 2015

CHỨNG THIẾU MÁU (ANEMIA) - Do LQT Biên Dịch


CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Mặc dù chứng thiếu máu do thiếu chất sắt trong dinh dưỡng đã sụt giảm ở các nước được công nghiệp hóa, nhưng chứng bệnh này vẫn còn ảnh hưởng đến khoảng 2 tỉ người trên thế giới.  Ngay cả ở Hoa Kỳ, tình trạng thiếu chất sắt vẫn là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất.  Nó có liên quan chặt chẽ với tình trạng nghèo đói.  Những người thuộc nhóm kinh tế xã hội thấp hơn có nguy cơ gấp đôi so với những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Trong số những người Mỹ bị chứng thiếu máu do thiếu chất sắt, thì trẻ em có nhiều nguy cơ nhất, kế đến là các phụ nữ tiền mãn kinh.  Các trẻ vị thành niên, những người đàn ông thành niên và các phụ nữ hậu mãn kinh có ít nguy cơ nhất.  Thật vậy, đàn ông có nguy cơ bị quá tải chất sắt, có lẽ bởi vì họ tiêu thụ nhiều thịt hơn và ít bị mất chất sắt.

Các Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Em

Các Yếu Tố Gây Nguy Cơ Chung Cho Chứng Thiếu Máu ở Trẻ Sơ Sinh và Trẻ Em.  Lên đến 20% các trẻ em ở Hoa Kỳ và 80% các trẻ em ở các nước đang phát triển bị thiếu máu vào một thời điểm nào đó trong thời thơ ấu và vị thành niên.  Tình trạng thiếu hụt chất sắt là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em, tuy nhiên, các dạng thiếu máu khác, bao gồm các rối loạn về di truyền máu, cũng có thể gây ra chứng thiếu máu trong nhóm dân số này.  Các trẻ em Hoa Kỳ gốc Châu Mỹ La-tinh có tỉ lệ gấp đôi bị thiếu chất sắt so với các trẻ em Hoa Kỳ gốc Châu Phi và các trẻ em da trắng.

Tình trạng thiếu hụt chất sắt ảnh hưởng đến khoảng 9% các trẻ em dưới 2 tuổi.  Kết quả là, khoảng 3% các trẻ em ở nhóm tuổi này bị chứng thiếu máu.  Các trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với các trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập cao hơn.  Tuy nhiên, các trẻ em ở bất cứ nhóm gia đình nào cũng có thể phát triển tình trạng thiếu chất sắt.

Các trẻ em từ 9–18 tháng tuổi có nhiều nguy cơ nhất bị thiếu máu do thiếu chất sắt ở Hoa Kỳ.  Các trẻ em này cũng có nhiều nguy cơ bị các vấn đề về phát triển trí óc do chứng thiếu máu.  Các trẻ sơ sinh nam có thể có nguy cơ gấp 10 lần so với các trẻ sơ sinh nữ.  Thông thường, các trẻ sơ sinh đủ tháng, được cho bú sữa mẹ thường sẽ có đủ số lượng chất sắt dự trữ trong 6 tháng đầu tiên.  Sau đó, các trẻ phải phụ thuộc vào các nguồn cung cấp chất sắt khác.

Chứng thiếu máu do thiếu chất sắt ở trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ có thể là do một hoặc nhiều yếu tố sau đây:

-      Ngưng bú sữa mẹ quá sớm hoặc dùng các loại thực phẩm dạng lỏng không được tăng cường chất sắt
-      Bú sữa bình quá lâu.  Các nghiên cứu cho thấy rằng các trẻ em được cho bú sữa bình càng lâu thì càng có nhiều nguy cơ bị thiếu chất sắt và bị chứng thiếu máu.  Các trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên không nên uống trên 2 bình sữa mỗi ngày.  Sữa bò cũng tốt cho trẻ em, nhưng nó không cung cấp đủ chất sắt.  Quá nhiều sữa có thể làm giảm khẩu vị của trẻ em và làm cho các trẻ chán ăn các thực phẩm giàu chất sắt cần thiết.  Khi các trẻ sơ sinh được 7 – 9 tháng tuổi và được cho bú sữa bình, thì các bà mẹ nên ngưng cho các trẻ bú sữa bình và thay vào đó, cho các trẻ uống bằng các bình uống sữa từng hớp (sippy cup).  Vào khoảng 12 tháng tuổi, tất cả các trẻ em nên được sử dụng bình uống sữa từng hớp thay vì bình bú sữa.
-      Các trẻ sơ sinh thích ăn các loại thực phẩm có ít chất sắt.  Các phụ huynh nên đảm bảo rằng con em của họ được ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như các loại đậu, thịt, các loại ngũ cốc được tăng cường, trứng, và các loại rau xanh.



Sippy cups: Bình uống sữa từng hớp













Các dịch vụ xã hội tốt hơn, và các phương pháp chẩn đoán theo dõi chứng thiếu máu chính xác hơn là những điều kiện cần thiết đối với các nhóm có nguy cơ cao này.  Hiện vẫn còn sự tranh cãi đáng kể về cách định nghĩa tình trạng thiếu hụt chất sắt và chứng thiếu máu ở trẻ sơ sinh.  Nghiên cứu mới cho thấy rằng xét nghiệm hàm lượng hemoglobin trong tế bào máu đỏ chưa trưởng thành (reticulocyte hemoglobin content (CHr) test) có thể tốt hơn xét nghiệm hemoglobin thông thường để phát hiện tình trạng thiếu hụt chất sắt ở các trẻ sơ sinh.  Reticulocytes là các tế bào máu đỏ chưa trưởng thành.  Xét nghiệm CHr sẽ đo số lượng hemoglobin trong các tế bào này.

Các Phụ Nữ Tiền Mãn Kinh

Lên đến 10% hoặc hơn các thiếu nữ và các phụ nữ thành niên dưới 49 tuổi bị thiếu hụt chất sắt.  Các phụ nữ Hoa Kỳ gốc Châu Mỹ La-tinh và gốc Châu Phi có tỉ lệ mắc chứng thiếu máu gấp đôi so với các phụ nữ da trắng.  Nguy cơ bị chứng thiếu máu ở các thiếu nữ là khoảng 3%.  Tuy nhiên, chứng thiếu máu thường ở mức độ nhẹ đối với các phụ nữ trẻ, và có khả năng xảy ra khi xuất hiện một hoặc một số tình trạng sau đây:

-      Tình trạng có kinh nguyệt nhiều và kéo dài hơn 5 ngày
-      Xuất huyết tử cung bất thường, chẳng hạn như do các u xơ
-      Mang thai.  Khoảng 20% phụ nữ ở các nước công nghiệp bị tình trạng thiếu hụt chất sắt trong thời gian mang thai.  Mang thai và sinh con nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ một cách đáng kể.

Những Người Cao Tuổi

Khoảng 10% những người thành niên từ 65 tuổi trở lên bị chứng thiếu máu.  Đối với các bệnh nhân ở các trung tâm dưỡng lão, có khoảng 50% bị chứng thiếu máu.  Các nguyên nhân bị chứng thiếu máu ở những người cao tuổi bao gồm tình trạng thiếu dinh dưỡng, bệnh viêm mãn tính, và bệnh thận mãn tính.

Nghiện Rượu

Những người nghiện rượu có nguy cơ bị chứng thiếu máu do nội xuất huyết cũng như các chứng thiếu máu có liên quan đến tình trạng thiếu axit folic và thiếu vitamin B.

Các Chế Độ Ăn Uống Thiếu Chất Sắt

Mặc dù đa số người Mỹ có thể tiêu thụ quá nhiều chất sắt trong các bữa ăn của họ, nhưng một số người có nguy cơ bị tình trạng thiếu hụt chất sắt liên quan đến chế độ ăn uống, bao gồm:

-      Những người có chế độ ăn uống giàu các thực phẩm được chế biến và thiếu thịt.
-      Những người ăn chay nghiêm ngặt (khổ hạnh).  Những người ăn chay (không tiêu thụ tất cả các sản phẩm động vật) có thể có nguy cơ cao bị tình trạng thiếu chất sắt và một vài loại vitamin B.  Mặc dù các loại đậu khô và rau quả xanh thường có chứa chất sắt, nhưng hấp thụ chất sắt từ thịt sẽ dễ dàng hơn hấp thụ chất chất sắt từ thực vật.  Một cách may mắn là, đa số các loại ngũ cốc (cereal) bán trên thị trường đều được tăng cường vitamin B12 và axit folic (một dạng tổng hợp của folate).

Các Chứng Bệnh Mãn Tính hoặc Nghiêm Trọng

Bất cứ ai bị bệnh mãn tính gây viêm hoặc xuất huyết đều có nguy cơ bị chứng thiếu máu.  Bệnh nghiêm trọng trong phòng hồi sức (chăm sóc đặc biệt) cũng liên quan chặt chẽ đến chứng thiếu máu.

Tập Thể Dục Quá Mức

Tập thể dục thường xuyên có thể làm mất đi một số lượng chất sắt, tình trạng này có thể so sánh với sự hành kinh và hiếm khi gây lo lắng.  Các chọn lựa về chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân của đa số các trường hợp thiếu máu do thể thao.  Môn thể thao có tính vận động căng thẳng và được duy trì liên tục, chẳng hạn như chạy maratông, có thể gây ra tình trạng được gọi là thiếu máu do thể thao (sports anemia), tình trạng này có thể là do xuất huyết đường tiêu hóa nhẹ, các hồng cầu bị tổn thương, tiêu thụ ít chất sắt, hoặc khả năng hấp thụ sắt kém.

Mang Thai

Tình trạng thiếu hụt chất sắt xảy ra ở khoảng 20% các phụ nữ mang thai ở các nước đang phát triển.  Thậm chí tỉ lệ còn cao hơn ở các nước chưa công nghiệp hóa, có khoảng từ 50% các phụ nữ bị thiếu chất sắt, và 30 – 50% bị thiếu hụt axit folic.  Chứng thiếu máu nghiêm trọng liên quan đến tỉ lệ tử vong khá cao ở phụ nữ mang thai.  Tuy nhiên, chứng thiếu máu nhẹ đến vừa phải không tạo ra nguy cơ cao.

Tình trạng mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ bị thiếu máu theo nhiều cách khác nhau:

-      Nó làm tăng nhu cầu về axit folic của cơ thể, do đó tạo ra nguy cơ bị thiếu hụt và tạo ra nhiều nguy cơ bị chứng thiếu máu do hồng cầu khổng lồ.  Hàm lượng thấp axit folic trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh
-      Nó làm tăng nhu cầu về chất sắt của cơ thể, do đó tạo ra nguy cơ bị chứng thiếu máu do thiếu chất sắt.  Các phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần 30 mg sắt mỗi ngày.  Chứng thiếu máu do thiếu chất sắt của người mẹ có liên quan đến tình trạng tăng cân hoặc kích thước của nhau thai, tình trạng này theo thời gian có thể tạo ra nguy cơ bị cao huyết áp ở con cái.  Các phụ nữ mang thai với hàm lượng hemoglobin thấp sẽ có nhiều nguy cơ sinh con sớm hoặc sinh con nhẹ cân.
-      Mang thai cũng liên quan đến tình trạng nước bị ứ lại trong cơ thể, do đó làm tăng thể tích huyết tương (thành phần chất lỏng của máu).  Tình trạng này có thể làm loãng các hồng cầu, và có thể tạo ra chứng thiếu máu.
-      Trong khi sinh con, xuất huyết nhiều hoặc sinh con nhiều lần có thể gây ra chứng thiếu máu sau khi sinh, mà nó xảy ra trong khoảng 10% các phụ nữ.  Chứng thiếu máu sau khi sinh có thể kéo dài từ 6 – 12 tháng sau khi sinh.

















0 comments:

Post a Comment