CHẨN ĐOÁN
Việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng đau đầu mãn tính mỗi ngày (persistent daily headache) có thể sẽ rất khó khăn. Có các nghiên cứu báo cáo rằng những người bị đau đầu làm mất khả năng hoạt động được đưa đến khoa cấp cứu thường được chẩn đoán sai là bị đau căng đầu thay vì là bệnh đau nửa đầu. Điều quan trọng là phải chọn bác sĩ biết quan tâm đến nhu cầu của các bệnh nhân bị nhức đầu, và luôn cập nhật các phương pháp điều trị tiên tiến mới nhất.
Các bệnh nhân bị nhức đầu mãn tính mỗi ngày có thể sẽ được bác sĩ đề nghị thực hiện các xét nghiệm kỹ lưỡng hơn. Việc ghi lại thời gian sử dụng thuốc, ngưng dùng thuốc, và bị nhức đầu thường tỏ ra rất hiệu quả cho việc chẩn đoán bệnh.
Theo Hiệp Hội Đau Đầu Quốc Tế (International Headache Society), việc chẩn đoán chứng đau căng đầu được đề xuất dựa vào các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác bị đè nén hoặc xiết chặt (nhưng không giống cảm giác bị đập mạnh)
- Bị đau nhức nhẹ đến vừa ở cả hai bên đầu
- Không trở xấu hơn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày (chẳng hạn như đi bộ hoặc lên cầu thang)
Đối với chứng đau căng đầu từng cơn:
- Không có cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tình trạng khó chịu với ánh sáng (photophobia) hoặc khó chịu với âm thanh (phonophobia) có thể không xuất hiện, hoặc một trong hai triệu chứng này (không cùng lúc xuất hiện cả hai) có thể xuất hiện
Đối với các cơn đau căng đầu mãn tính:
- Không bị nôn mửa
- Không bị buồn nôn nhẹ hoặc nghiêm trọng
- Xuất hiện không quá một trong các triệu chứng như: Buồn nôn nhẹ, sợ ánh sáng (photophobia), sợ âm thanh hoặc tiếng ồn (phonophobia)
- Một số dạng đau căng đầu có thể bao gồm cảm giác đau khi di chuyển đầu (pericranial tenderness).
Xác Định Sự Khác Biệt Giữa Chứng Đau Đầu Do Lạm Dụng Thuốc và Chứng Đau Căng Đầu
Khoảng 1 phần 3 các cơn đau đầu kéo dài là kết quả của hiệu ứng tái lại (rebound effect) do việc sử dụng quá liều các loại thuốc trị nhức đầu gây ra.
Thông thường trong các trường hợp như thế, bệnh nhân đã sử dụng thuốc thường xuyên trên 3 ngày mỗi tuần. Nếu các bệnh nhân ngưng sử dụng các loại thuốc này, các cơn đau đầu sẽ tái xuất hiện. Sau đó bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc trở lại. Cuối cùng, cơn nhức đầu tiếp tục kéo dài và các loại thuốc này không còn hiệu quả nữa. Ngay cả sau khi ngưng sử dụng thuốc một cách hiệu quả, tình trạng tái phát vẫn thường xuất hiện, đặc biệt với các loại thuốc có chứa chất caffeine, do đó các bác sĩ nên kiểm tra dạng nhức đầu này ngay cả ở các bệnh nhân đã từng được điều trị trước đây.
Các loại thuốc có liên quan đến tình trạng nhức đầu do lạm dụng thuốc bao gồm các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (barbiturates: giúp thư giãn và gây buồn ngủ), các loại thuốc an thần (sedatives: làm chậm chức năng hoạt động bình thường của não), các loại ma túy (narcotics), và các loại thuốc trị bệnh đau nửa đầu, đặc biệt các loại chứa chất caffeine. (Nghiện chất caffeine cũng có thể gây ra tình trạng này). Các loại thuốc giảm đau (painkiller) thông thường, chẳng hạn như aspirinhoặc ibuprofen, sẽ ít có khả năng gây ra các cơn đau đầu do lạm dụng thuốc.
Xác Định Sự Khác Biệt giữa Chứng Đau Căng Đầu và Bệnh Đau Nửa Đầu
Bệnh đau nửa đầu và chứng đau căng đầu có các đặc tính giống nhau, nhưng cũng có các khác biệt quan trọng:
- Cơn đau nửa đầu thường có cảm giác đập mạnh, trong khi đó, cơn đau căng đầu thường là tình trạng nhức đầu âm ĩ đều đặn
- Cơn đau nửa đầu thường chỉ ảnh hưởng một bên đầu, trong khi đó, cơn đau căng đầu thường ảnh hưởng cả hai bên đầu
- Các cơn đau nửa đầu có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, hoặc có các cảm giác báo trước cơn đau
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, bệnh đau nửa đầu và chứng đau căng đầu có thể có liên quan với nhau.
Bệnh Sử và Các Vấn Đề Cá Nhân
Để việc chẩn đoán được chính xác, bệnh nhân nên mô tả cho bác sĩ các vấn đề sau đây:
- Khoảng thời gian và mức độ thường xuyên của các cơn đau đầu
- Các thay đổi gần đây về tính cách cá nhân
- Vị trí của nơi bị đau nhức
- Dạng đau nhức (đập mạnh hoặc đau âm ĩ)
- Mức độ đau nhức của cơn đau đầu
- Các triệu chứng đi kèm, chẳng hạn như rối loạn thị giác hoặc buồn nôn và nôn mửa. (Các triệu chứng này thường thấy ở các bệnh nhân bị đau nửa đầu)
- Thái độ hành vi trong khi bị nhức đầu. Các hành vi khác biệt có thể giúp phân biệt bệnh đau nửa đầu với chứng đau căng đầu. Những người bị đau căng đầu có xu hướng được thuyên giảm khi mát xa da đầu, thái dương, hoặc sau gáy. Những người bị đau nửa đầu có nhiều khả năng bóp vào trán và thái dương (dùng khăn quàng cổ cột chặt xung quanh đầu) hoặc dùng túi nóng chườm lên khu vực bị đau nhức. Họ cũng có xu hướng tự cô lập bản thân, muốn nằm nghỉ, muốn nôn mửa, và dùng nhiều gối hơn bình thường. (Một cách đáng tiếc là, các hành động này thường không giúp hạ giảm cơn đau đầu).
Bệnh nhân cũng nên báo cáo cho bác sĩ biết bất cứ chứng bệnh nào khác mà có thể có liên quan đến tình trạng nhức đầu, chẳng hạn như:
- Bệnh mãn tính hoặc bệnh mới xuất hiện gần đây, và các phương pháp điều trị
- Bị thương, đặc biệt ở đầu hoặc ở lưng
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Đang sử dụng thuốc hoặc gần đây ngưng sử dụng thuốc, bao gồm các loại thuốc không cần toa bác sĩ hoặc các trị liệu tự nhiên
- Có kỷ lục lạm dụng chất caffeine, rượu bia, hoặc thuốc
- Bị áp lực tinh thần, trầm cảm, và lo âu nghiêm trọng
Bác sĩ cũng sẽ cần đến bệnh sử cá nhân và bệnh sử gia đình của bệnh nhân, đặc biệt liên quan đến chứng nhức đầu hoặc các chứng bệnh thần kinh khác.
Nhật Ký Nhức Đầu để Xác Định Các Yếu Tố Gây Bệnh
Ghi lại nhật ký nhức đầu là một phương pháp hữu hiệu giúp xác định các yếu tố gây ra tình trạng nhức đầu, đồng thời cũng giúp bác sĩ phân biệt bệnh đau nửa đầu với chứng đau căng đầu. Nhớ ghi lại tất cả sự kiện xảy ra trước khi cơn đau đầu xuất hiện. Một cơn nhức đầu thường do một hoặc nhiều yếu tố tương tác với nhau gây ra.
Thông thường, các kích thích giống nhau dường như gây ra tất cả các chứng nhức đầu chính (primary headache), mặc dù một số người bị chứng đau nửa đầu có thể nhạy cảm nhiều hơn với một số yếu tố (thời tiết, một số mùi, ánh sáng, và khói thuốc) so với những người bị đau căng đầu.
Theo dõi việc sử dụng thuốc là một cách thức quan trọng để xác định tình trạng nhức đầu do lạm dụng thuốc hoặc bệnh đau nửa đầu bị biến dạng.
Phải cố gắng xác định mức độ nhức đầu. Các triệu chứng được sắp xếp theo thang điểm để giúp bệnh nhân mô tả mức độ đau nhức cho bác sĩ. Ví dụ, sau đây là một thang điểm đánh giá mức độ đau nhức có thể rất có lợi:
1 = Nhẹ, khó nhận biết; 2 = Có thể nhận thấy, nhưng không ảnh hưởng đến các sinh hoạt hoặc việc làm; 3 = Ảnh hưởng đến việc làm hoặc các sinh hoạt; 4 = Gây khó khăn nhiều cho việc làm hoặc sinh hoạt; 5 = Mất khả năng hoạt động (làm việc).
Kiểm Tra Sức Khỏe
Để chẩn đoán chứng đau đầu mãn tính, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực đầu và cổ để xem xét những vùng cơ bị đau khi chạm vào. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một cuộc kiểm tra về thần kinh, bao gồm một loạt các bài tập thể dục đơn giản để kiểm tra sức mạnh, các phản xạ, phối hợp chức năng của các bộ phận, cảm giác, và chức năng thần kinh. Bác sĩ cũng có thể đề xuất việc kiểm tra mắt.
Các Xét Nghiệm Bằng Hình Chụp
Các xét nghiệm bằng hình chụp được sử dụng cho tình trạng nhức đầu mãn tính hoặc nghiêm trọng, bao gồm chụp CT (computed tomography scan) và MRI (magnetic resonance imaging). Các xét nghiệm chụp hình não có thể được đề xuất trong các trường hợp sau đây:
- Nếu các kết quả bệnh sử và kiểm tra sức khỏe cho thấy có vần đề về thần kinh
- Thay đổi thị giác
- Yếu cơ
- Sốt
- Đơ cứng cổ
- Thay đổi dáng đi
- Thay đổi trạng thái tinh thần, bao gồm các dấu hiệu bị mất định hướng (disorientation).
Các xét nghiệm bằng hình chụp cũng được đề xuất cho:
- Các bệnh nhân bị cơn đau đầu đánh thức họ vào ban đêm
- Bị nhức đầu đột ngột hoặc nghiêm trọng, hoặc bị cơn nhức đầu dữ dội nhất từ trước đến nay
- Các bệnh nhân có tiền sử bị ung thư hoặc có hệ miễn dịch bị suy yếu
- Những người thành niên trên 50 tuổi gần đây bị nhức đầu, đặc biệt ở những người cao tuổi. Ở nhóm tuổi này, điều đặc biệt quan trọng là loại trừ các chứng rối loạn có liên quan đến tuổi tác, bao gồm đột quỵ (tai biến mạch máu não), hạ đường huyết (hypoglycemia), bệnh tràn dịch não(hydrocephalus: bệnh ứ dịch não), và chấn thương đầu (thường do bị té ngã)
- Các bệnh nhân bị nhức đầu càng lúc càng trở nên trầm trọng, hoặc bị nhức đầu mà các phương điều trị tiêu chuẩn không mang lại hiệu quả.
Các Triệu Chứng Nhức Đầu Có Thể Là Dấu Hiệu Của Các Chứng Rối Loạn Nghiêm Trọng Tiềm Ẩn
Các cơn đau đầu biểu thị một chứng bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn, chẳng hạn như chứng rối loạn về mạch não hoặc cao huyết áp ác tính, thường hiếm khi xảy ra. (Xin nhắc lại rằng chứng nhức đầu không phải là một triệu chứng phổ biến của tình trạng bị khối u ở não). Tuy nhiên, những người bị nhức đầu mãn tính có thể sẽ bỏ sót một chứng bệnh nghiêm trọng hơn nếu cho rằng đó chỉ là một trong các cơn đau đầu bình thường. Các bệnh nhân này nên điện thoại ngay cho bác sĩ nếu mức độ nhức đầu hoặc các triệu chứng đi kèm thay đổi. Tất cả mọi người nên điện thoại cho bác sĩ nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào dưới đây:
- Nhức đầu đột ngột và nghiêm trọng, kéo dài hoặc càng lúc càng gia tăng mức độ đau, thỉnh thoảng đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn mửa, hoặc trạng thái tinh thần bị thay đổi (có thể là bị đột quỵ do xuất huyết)
- Nhức đầu đột ngột và hết sức nghiêm trọng, trầm trọng nhất từ trước đến nay (có thể là dấu hiệu bị xuất huyết hoặc mạch phình bị vỡ)
- Các cơn nhức đầu mãn tính hoặc nghiêm trọng, bắt đầu xuất hiện sau tuổi 50
- Các cơn nhức đầu đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như mất trí nhớ, rối loạn tinh thần, mất thăng bằng, thay đổi về giọng nói hoặc thị lực, tay chân bị mất sức hoặc bị tê hoặc bị ngứa ran (có khả năng bị đột quỵ nhẹ ở đáy hộp sọ)
- Các cơn đau đầu sau khi bị chấn thương đầu, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng buồn ngủ và buồn nôn (có khả năng bị xuất huyết não)
- Các cơn đau đầu đi kèm với tình trạng sốt, đơ cứng cổ, buồn nôn và nôn nửa (có khả năng bị viêm màng cột sống – spinal meningitis)
- Các cơn đau đầu gia tăng trong lúc ho hoặc dùng sức (có khả năng bị sưng não – brain swelling)
- Cảm giác đau như bị đập mạnh xung quanh hoặc sau mắt hoặc ở trán, đi kèm với tình trạng mắt bị đỏ và có cảm giác quay cuồng (có khả năng bị tăng nhãn áp cấp tính– acute glaucoma)
- Bị nhức một bên đầu ở vùng thái dương ở những người cao tuổi; động mạch vùng thái dương bị cứng, có nhiều nốt và không có nhịp mạch; da đầu bị đau khi chạm vào (có khả năng bị viêm động mạch thái dương, có thể gây ra tình trạng mù mắt hoặc thậm chí gây đột quỵ nếu không được chữa trị)
- Cơn đau như búa bổ, xuất hiện đột ngột và tiếp tục kéo dài xung quanh mắt, có thể lan đến tai hoặc cổ, sử dụng thuốc giảm đau không thuyên giảm (có khả năng bị nghẽn một trong các tĩnh mạch xoang ở não)
0 comments:
Post a Comment