Thursday, February 12, 2015

TIN TỨC Y HỌC - Do LQT Biên Dịch

     9.  Ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2

TẠI SAO BẠN BỊ MỤN LẸO VÀ CÁCH CHỮA TRỊ
               
Nó có thể nhìn giống mụn nhọt (pimple), nhưng bạn không nên nặn chấm màu hồng đậu ở mí mắt (eyelid) này.  Mụn lẹo(sty hoặc stye) “chỉ đơn thuần là một vấn đề tụ mủ ở nang lông – thường ở lông mi (eyelash)”, theo lời của bác sĩ William Schaffner, giáo sư y khoa và các bệnh nhiễm trùng tại trường Đại Học Y Khoa Vanderbilt (Vanderbilt University School of Medicine), Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ.  “Và chúng có thể làm cho bạn cảm thấy rất đau”.


Bạn có khả năng bị mọc mụn lẹo là do không lưu ý đến vấn đề vệ sinh – ví dụ chạm vào một vật dơ rồi đưa tay lên dụi mắt.  “Các mụn lẹo thường xảy ra và không có lý do rõ ràng”, theo lời bác sĩ Schaffner.  “Và các mụn này thường do vi khuẩn staphylococcus aureus gây ra”.

Bạn cũng có thể phát hiện một chấm hồng loại này bởi vì bạn là một trong số vài người không may mắn có các tuyến sụn mi (meibomian gland: tiết ra chất dầu), thường xuyên bị tắc nghẽn.  “Do đó, những người có khuynh hướng bị nghẽn tuyến sụn mi sẽ có nhiều nguy cơ phát sinh các mụn lẹo này”, theo lời của bác sĩ Lisa Park, phó giáo sư lâm sàng về nhãn khoa (ophthalmology) tại Trung Tâm Y Tế Langone thuộc Đại Học New York (NYU Langone Medical Center).  Làm thế nào để bạn biết được bạn dễ bị nghẽn các tuyến này?  “Một cuộc kiểm tra mắt toàn diện là cách tốt nhất để đưa ra chẩn đoán này”, bác sĩ Park nói.  “Những người thường xuyên bị mụn lẹo cũng nên được kiểm tra”.

Nếu bạn bị mụn lẹo, thì cách tốt nhất để điều trị là đắp khăn ấm và sử dụng kem kháng sinh bôi trên da, theo lời của hai bác sĩ Schaffner và Park.  “Lấy một chai nước nóng bọc trong khăn lau mặt rồi đắp lên mắt”, bác sĩ Park đề xuất.  Bạn có thể làm thao tác này vài lần mỗi ngày.  “Phương pháp này cho phép mụn lẹo tiêu biến”.

Bởi vì các mụn lẹo là sản phẩm của hành vi thiếu vệ sinh, cho nên cách tốt nhất để ngăn ngừa là không bao giờ dùng tay dơ chạm vào mắt và giữ cho các mí mắt luôn được sạch sẽ.

“Đối với các bệnh nhân có các tuyến sụn mi bị nghẽn, tôi đề xuất vệ sinh mí mắt bằng các loại khăn giấy lau mí mắt (lid wipe) hoặc bọt rửa mí mắt (lid-cleaning foam) mỗi ngày”, bác sĩ Park nói.  “Một đề xuất khác là uống dầu lanh (flaxseed oil), nó có thể giúp ích cho tình trạng này”.

Mụn lẹo sẽ không biến mất qua đêm, vì thế bạn nên bắt đầu phương pháp đắp khăn nóng và sử dụng kem kháng sinh ngay sau khi xuất hiện mụn lẹo.  “Chúng tôi thường gặp những bệnh nhân bị mụn lẹo vài ngày trước đám cưới, và điều không may là, không có cách nào để cho chúng biến mất ngay tức khắc được”, bác sĩ Park nói.  “Do đó, điều trị sớm – và đắp khăn nóng ngay sau khi mụn lẹo xuất hiện – là biện pháp hiệu quả nhất”. (Trở về đầu trang)




CÁC LOẠI THỰC PHẨM CHỐNG VIÊM

Các bác sĩ đang học hiểu rằng một trong những cách tốt nhất để chế ngự hiện tượng viêm không nằm trong các tủ thuốc, nhưng lại ở trong tủ lạnh.

Hệ miễn dịch của bạn tấn công bất kỳ thứ gì trong cơ thể được xác định là yếu tố lạ - chẳng hạn như các vi sinh vật xâm nhập, phấn hoa, hoặc chất hóa học.  Quá trình này được gọi là viêm (inflammation).  Từng đợt viêm nhắm đến những kẻ xâm nhập thực sự gây đe doạ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn.


Tuy nhiên, thỉnh thoảng hiện tượng viêm kéo dài, không liên tục, ngay cả khi bạn không bị đe dọa bởi các yếu tố lạ xâm nhập.  Đó là khi hiện tượng viêm có thể trở thành kẻ thù của bạn.  Nhiều căn bệnh quan trọng làm cho chúng ta phải phiền não – bao gồm ung thư, bệnh tim, bệnh tiểu đường, viêm khớp, trầm cảm, và bệnh Alzheimer – được xem gắn liền với tình trạng viêm mãn tính.

Một trong những công cụ chống viêm hiệu quả nhất không đến từ các tiệm thuốc tây, nhưng đến từ các cửa hàng thực phẩm.  “Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các thành phần trong thực phẩm hoặc thức uống có thể có các tác dụng kháng viêm”, theo lời của tiến sĩ Frank Hu, giáo sư về dinh dưỡng và dịch tễ học ở Khoa Dinh Dưỡng(Department of Nutrition) tại Đại Học Harvard về Sức Khỏe Công Cộng (Harvard School of Public Health).

Hãy chọn các loại thực phẩm thích hợp, thì bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.  Liên tục chọn lựa những loại thực phẩm không phù hợp, thì bạn có thể làm tăng quá trình bệnh gây viêm.

Các loại thực phẩm gây viêm

Cố gắng tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm sau đây càng nhiều càng tốt:

-      Các loại carbohydrate được tinh chế, chẳng hạn như bánh mì được làm từ bột mì trắng và các loại bánh ngọt
-      Khoai tây chiên và các loại thực phẩm chiên
-      Nước ngọt có ga (soda) và các thức uống được làm ngọt bằng đường
-      Thịt đỏ (bánh hamburger, bít tết [steak]) và thịt được chế biến sẵn (hot dog, và xúc xích)
-      Bơ thực vật (margarine), mỡ mềm làm cho bánh xốp giòn (shortening), và mỡ heo(lard: mỡ lợn)

Các loại thực phẩm kích thích viêm

Thông thường, các loại thực phẩm góp phần tạo viêm được xem là có hại cho sức khỏe của chúng ta, bao gồm nước ngọt có ga và các loại carbohydrate được tinh chế, cũng như thịt đỏ và các loại thịt được chế biến sẵn.

“Một số thực phẩm được xem có liên quan đến nguy cơ gia tăng bị các chứng bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim cũng có liên quan đến tình trạng viêm quá mức”, tiến sĩ Hu nói.  “Thật không có gì phải ngạc nhiên, vì hiện tượng viêm là một cơ chế tiềm ẩn quan trọng cho sự phát sinh của các chứng bệnh này”.

Các loại thực phẩm không lành mạnh cũng góp phần làm tăng cân, bản thân tình trạng này cũng là một yếu tố nguy cơ gây viêm.  Tuy nhiên, trong một vài nghiên cứu, ngay cả sau khi các nhà khoa học xem xét vấn đề béo phì, thì mối liên kết giữa thực phẩm và viêm vẫn duy trì, điều này cho thấy hiện tượng tăng cân không phải là tác nhân duy nhất.  “Một số thành phần của thực phẩm hoặc các nguyên liệu có thể có những tác động độc lập lên tình trạng viêm với số lượng tiêu thụ calorie gia tăng”, tiến sĩ Hu nói. 

Các loại thực phẩm chống viêm

Hãy đưa các loại thực phẩm kháng viêm sau đây vào chế độ ăn của bạn:

-      cà chua
-      dầu oliu
-      các loại rau củ lá xanh, chẳng hạn như rau bina(spinach), cải xoăn (kale), và cải lá (collard)
-      quả hạch(nut) chẳng hạn như quả hạnh nhân (almond) và quả óc chó (walnut)
-      cá nhiều mỡ (fatty fish) như cá hồi (salmon), cá thu (mackerel), cá ngừ đại dương (tuna), và cá mòi (sardine)
-      các loại trái cây (hoa quả) chẳng hạn như dâu tây(strawberry), dâu xanh (blueberry), quả anh đào (cherry), và cam

Các loại thực phẩm kháng viêm

Có những loại thực phẩm và thức uống được tìm thấy có khả năng giảm nguy cơ viêm, và do đó bệnh mãn tính, theo lời của tiến sĩ Hu.  Ông lưu ý rằng, trong một số loại trái cây (hoa quả) và rau củ chẳng hạn như dâu xanh, táo(apple), và rau củ lá xanh giàu các chất chống oxy hóa tự nhiên và các chất polyphenol – đây là các hợp chất có tính bảo vệ được tìm thấy ở thực vật.

Các nghiên cứu cũng liên kết các quả hạch với các dấu hiệu giảm viêm và nguy cơ thấp bị bệnh tim mạch (cardiovascular disease) và bệnh tiểu đường.  Cà phê, chứa các chất polyphenol và các hợp chất kháng viêm khác, cũng có thể bảo vệ chống lại tình trạng viêm.

Chế độ ăn uống kháng viêm

Để giảm mức độ viêm, hãy nhắm tới một chế độ ăn uống lành mạnh toàn diện.  Nếu bạn đang tìm kiếm một chế độ ăn uống theo nguyên lý kháng viêm, thì hãy xem xét chế độ ăn uống Địa Trung Hải (Mediterranean diet), chế độ ăn này chủ yếu bao gồm trái cây (hoa quả), rau củ, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt (whole grain), cá, và các loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh khả năng giảm viêm, một chế độ ăn uống giàu các loại thực phẩm tự nhiên và ít chế biến sẵn có thể có những tác động đáng kể lên sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.  “Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh mãn tính, mà còn giúp cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống toàn diện”, tiến sĩ Hu nói. (Trở về đầu trang)



CÁC VI SINH VẬT Ở DA VÀ ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH

-      Nghiên cứu ở chuột cho thấy cách thức một số vi sinh vật ở da giúp hệ miễn dịch bảo vệ phòng chống các sinh vật gây bệnh (pathogen).
-      Những phát hiện này giúp làm rõ vai trò bảo vệ của các vi sinh vật ở da và có thể dẫn đến một sự hiểu biết thấu đáo hơn về các rối loạn ở da.

Da là một rào cản, đóng vai trò như một tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại các vi sinh vật có hại.  Các tế bào miễn dịch chuyên biệt bên trong mô da giúp chống lại các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể.  Tuy nhiên, da là nơi sinh sống của những công đồng đa dạng các vi khuẩn có lợi, gọi chung là hệ vi sinh vật khu vực da (skin microbiota).  Các vi sinh vật này, cư trú tự nhiên ở da, được gọi là các sinh vật cộng sinh (commensal).


Nghiên cứu trước đây do một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) cho thấy rằng các sinh vật cộng sinh có thể giúp các tế bào miễn dịch của cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh.  Nhóm nghiên cứu này, do tiến sĩ Yasmine Belkaid thuộc Viện Dị Ứng và Các Bệnh Nhiễm Trùng Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institute of Allergy and Infectious Diseases - NIAID) chi nhánh của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) dẫn đầu, bao gồm tiến sĩ Julie Segre thuộc Viện Nghiên Cứu Bộ Gen Người Quốc Gia Hoa Kỳ(National Human Genome Research Institute - NHGRI) và tiến sĩ Heidi Kong thuộc Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute - NCI).  Trong nghiên cứu mới nhất của họ, các nhà nghiên cứu đã hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các sinh vật cộng sinh và hệ miễn dịch ở da.  Các kết quả đã xuất hiện trên tạp chí mạng Nature vào ngày 5 tháng Giêng năm 2015.

Các nhà khoa học đã áp dụng vi khuẩn Staphylococcus epidermidis, một trong những loài vi khuẩn xuất hiện phổ biến nhất ở da người, lên da của chuột ở phòng thí nghiệm.  Loài vi khuẩn này duy trì trên da và kích thích một đáp ứng miễn dịch ở da.  Điều này dẫn đến sự sản sinh các phân tử dẫn truyền thông tin, và các phân tử này giúp tiêu diệt các vi sinh vật có hại.

Nhóm nghiên cứu này đã tìm thấy rằng việc định cư vi khuẩn S. epidermidis trên da của chuột đặc biệt làm tăng số lượng các tế bào miễn dịch T CD8+.  Các tế bào này sản sinh phân tử truyền tín hiệu miễn dịch IL-17A.  Các đáp ứng này không liên quan đến hiện tượng viêm.

Có thêm các thí nghiệm cho thấy rằng các tế bào đuôi gai (dendritic cell), một loại tế bào miễn dịch, đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tạo ra đáp ứng miễn dịch không viêm đặc thù này.  Các tế bào đuôi gai chuyển hóa các protein từ các sinh vật gây bệnh và kết bám chúng vào các tế bào miễn dịch khác để tạo ra một đáp ứng miễn dịch.

Các chú chuột, với vi khuẩn S. epidermidiscư trú trên da, được bảo vệ chống lại tình trạng nhiễm một loại nấm gây bệnh trong tương lai.  Nếu lấy đi toàn bộ các tế bào T CD8+ hoặc làm mất tác dụng phân tử IL-17A, thì hiệu ứng bảo vệ này cũng sẽ mất đi.  Do đó, vi khuẩn S. epidermidis kích thích các lĩnh vực đặc thù của hệ miễn dịch và làm tăng các đáp ứng miễn dịch chống lại các sinh vật gây bệnh mà không gây ra hiện tượng viêm.

Phân tử truyền tín hiệu tế bào IL-17A được biết đóng một vai trò trong nhiều rối loạn da khác nhau, bao gồm bệnh vẩy nến (psoriasis), mà thường ảnh hưởng đến một số vị trí ở da trên cơ thể.  Nghiên cứu này cho thấy rằng sự thay đổi ở các cộng đồng vi sinh vật ở các khu vực da khác nhau có thể góp phần gây ra các rối loạn này.  Nghiên cứu trong tương lai sẽ chú trọng vào việc làm sáng tỏ các tương tác phức tạp giữa các sinh vật cộng sinh và hệ miễn dịch.

“Chúng ta cần hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa hệ miễn dịch và các vi khuẩn này để cải thiện các kết quả sức khỏe của một loạt các rối loạn da và các tình trạng bệnh lý hệ thống khác”, tiến sĩ Segre nói. (Trở về đầu trang)




BẢO VỆ XƯƠNG BẰNG CÁCH TẬP THỂ DỤC

Xương có cảm giác cứng khi chạm vào, nhưng bên trong xương thực sự chứa đầy những lỗ hổng giống như tổ ong (honeycomb).  Các mô xương bị phân hủy và tái tạo thường xuyên.  Mặc dù một số tế bào tạo ra mô xương mới, nhưng một số khác phân hủy xương và phóng thích các khoáng chất bên trong.


Khi chúng ta trở nên già đi, chúng ta bắt đầu mất đi số lượng mô xương nhiều hơn so với số lượng mô xương được tái tạo.  Các lỗ nhỏ bên trong xương trở nên lớn hơn, và lớp xương cứng bên ngoài trở nên mỏng hơn.  Nói một cách khác, xương của chúng ta trở nên bớt dày đặc hơn.  Các xương cứng hóa xốp, và các xương xốp càng trở nên xốp hơn.  Nếu mật độ xương này mất đi quá nhiều, thì đây được gọi là chứng loãng xương (osteoporosis).  Có trên 10 triệu người ở Hoa Kỳ được ước tính bị chứng loãng xương. 

Bị gãy xương trong các tai nạn là điều bình thường.  Nhưng nếu xương của bạn đủ dày, thì chúng ta có thể đứng lên trong đa số những lần bị té ngã.  Tuy nhiên, xương bị suy yếu bởi chứng loãng xương sẽ có nhiều khả năng bị gãy (nứt).

“Cũng giống như bất kỳ loại vật chất tạo cấu trúc nào”, theo lời bác sĩ Joan McGowan, một chuyên gia nghiên cứu về loãng xương của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH).  Nếu bạn bị té ngã và sức nặng của bạn đè lên một xương mỏng giòn, “thì nó đạt đến một điểm mà các cấu trúc không đủ sức để chống đỡ trọng lượng của bạn đè nặng lên chúng”.  Nếu xương bị gãy, đây là một dấu hiệu chính cho biết một người bị chứng loãng xương”.

Tình trạng gãy xương có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với những người cao tuổi.  Phần hông là một vị trí thường thấy bị loãng xương, và tình trạng gãy xương đùi hông (hip fractures) có thể dẫn đến mất khả năng vận động càng lúc càng nghiêm trọng và mất khả năng tự lập.  Chứng loãng xương cũng thường thấy ở cổ tay và cột sống.

Hooc môn estrogen giúp xây dựng và tái tạo xương.  Mức estrogen ở phụ nữ giảm xuống sau khi mãn kinh, và tình trạng xương bị mất đi bắt đầu tăng lên.  Đó là lý do tại sao chứng loãng xương thường được nhìn thấy nhất ở những phụ nữ lớn tuổi.  Nhưng đàn ông cũng bị loãng xương.

“Một phần ba tất cả các trường hợp gãy (nứt) xương đùi hông xảy ra ở nam giới, tuy nhiên vấn đề loãng xương ở nam giới thương bị coi nhẹ hoặc phớt lờ”, theo lời của bác sĩ Eric Orwoll, một nhà nghiên cứu chứng loãng xương tại trường Đại Học Khoa Học và Sức Khỏe Oregon (Oregon Health and Science University – OHSU).  Nam giới có khuynh hướng hồi phục kém hơn so với phụ nữ sau khi bị gãy xương đùi hông, bác sĩ Orwoll nói.

Các chuyên gia đề xuất rằng nên bắt đầu kiểm tra tầm soát chứng loãng xương vào độ tuổi 65.  Những phụ nữ chưa đến 65 tuổi và có nhiều nguy cơ bị gãy (nứt) xương cũng nên được kiểm tra tầm soát.  Nam giới cũng nên thảo luận các đề xuất kiểm tra tầm soát với bác sĩ gia đình của họ.

Kiểm tra sàng lọc được thực hiện với xét nghiệm mật độ khoáng chất ở hông và cột sống.  Xét nghiệm phổ biến nhất có tên là DXA, viết tắt của dual-energy X-ray absorptiometry (đo hấp thụ X-quang năng lượng kép).  Tiến trình này không gây đau, giống như chụp X-quang.  Kết quả xét nghiệm thường được báo cáo dưới dạng điểm T (T-score), so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương của một phụ nữ trẻ khỏe mạnh.  Điểm T có giá trị -2,5 hoặc thấp hơn sẽ cho thấy bị chứng loãng xương.

Có nhiều thứ bạn có thể làm để giảm bớt nguy cơ bị chứng loãng xương.  Tiêu thụ nhiều canxi, vitamin D, và tập thể dục là một sự bắt đầu hợp lý, bác sĩ Orwoll nói.

Canxi là một khoáng chất giúp xương cứng chắc.  Canxi có thể được hấp thụ từ những thực phẩm bạn tiêu thụ - bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại rau củ quả có lá màu xanh đậm chẳng hạn như cải xoăn (kale) và các loại cải lá (collard green) – hoặc từ các loại thực phẩm chức năng.  Những phụ nữ trên 50 tuổi cần 1200 mg canxi mỗi ngày.  Những nam giới từ 51 đến 70 tuổi cần 1000 mg canxi mỗi ngày, và 1200 mg canxi mỗi ngày từ 71 tuổi trở lên.

Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi.  Khi bạn càng lớn tuổi, cơ thể bạn càng cần nhiều vitamin D hơn, vitamin D được da của bạn tạo ra khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.  Bạn cũng có thể hấp thụ vitamin D từ các thực phẩm chức năng và từ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sữa, trứng, cá có nhiều chất béo, và các loại ngũ cốc được tăng cường (fortified cereal).  Hãy nói chuyện với bác sĩ gia đình của bạn để đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đầy đủ vitamin D.  Các vấn đề bệnh lý có thể phát sinh nếu bạn tiêu thụ quá ít hoặc quá nhiều.

Tập thể dục, đặc biệt là thể dục chịu sức nặng (weight-bearing exercise), cũng giúp ích cho xương.  Các loại hình thể dục chịu sức nặng bao gồm, chạy chậm (jogging), đi bộ, đánh quần vợt, và khiêu vũ.  Sức kéo các cơ là một yếu tố nhắc nhở các tế bào xương của bạn rằng bạn cần giữ cho mô xương dày đặc hơn.

Ngược lại, hút thuốc lá làm cho xương bị yếu đi.  Uống nhiều bia rượu cũng làm yếu xương – và làm cho những người này có nhiều khả năng bị té ngã.  Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương.  Có những thành viên trong gia đình bị loãng xương cũng có thể làm cho bạn tăng nguy cơ bị chứng bệnh này.

Tin vui là, cho dù bạn đã bị chứng loãng xương, không quá trễ để bắt đầu chăm sóc xương của bạn.  Vì xương của bạn thường xuyên tái tạo, cho nên bạn có thể giúp thúc đẩy tiến trình tái tạo này bằng cách tập thể dục, tiêu thụ canxi, và vitamin D.

Một vài loại thuốc cũng có thể giúp chống lại tình trạng loãng xương.  Loại thuốc được dùng rộng rãi nhất là bisphosphonates.  Nhóm thuốc này thường được chỉ định cho những người được chẩn đoán bị loãng xương sau khi xét nghiệm DXA, hoặc được chỉ định cho những người bị gãy (nứt) xương và cho thấy có dấu hiệu xương quá yếu.  Nhóm bisphosphonates đã được kiểm tra triệt để hơn ở phụ nữ, nhưng cũng được chấp thuận cho sử dụng ở nam giới.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các loại thuốc giúp làm tăng quá trình tăng trưởng xương.  Hiện tại, chỉ có một loại, đó là hooc môn tuyến cận giáp (parathyroid hormone).  Nó có tác dụng tạo xương hiệu quả và được chấp thuận cho phụ nữ và nam giới bị loãng xương mà những người này có nhiều nguy cơ bị gãy (nứt) xương.

Một cách quan trọng nhằm tránh bị gãy xương là ngăn ngừa bị té ngã.  Tuy nhiên, có hơn 2 triệu trường hợp bị gãy (nứt) do xương giòn (đáng lẽ đã không xảy ra nếu xương cứng chắc hơn) xảy ra mỗi năm ở Hoa Kỳ.  “Để giảm bớt gánh nặng gãy xương cho xã hội, chúng ta cần đến một phương pháp tiếp cận phối hợp bao gồm tập trung vào khung xương và tập trung ngăn ngừa bị té ngã”, theo lời của bác sĩ Kristine Ensrud, một nhà nghiên cứu về các rối loạn liên quan đến lão hóa tại trường Đại Học Minnesota (University of Minnesota) và Hệ Thống Chăm Sóc Sức Khỏe Cựu Chiến Binh Minneapolis(Minneapolis VA Health Care System).

Nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ té ngã, chẳng hạn như mức độ giữ thăng bằng của một người và những mối nguy bị vấp ngã trong môi trường sống.  Cách bị té ngã cũng là yếu tố quan trọng.  Gãy xương cổ tay thường xảy ra khi một người bị ngã về phía trước hoặc ngã ra phía sau.  “Chính những người lớn tuổi năng động khi bị va vấp thường đưa tay ra chống”, bác sĩ McGowan nói.  Các trường hợp gãy xương đùi hông thường xảy ra khi một người bị ngã về một bên.  Hông của bạn có thể đủ mạnh để chống đỡ sức nặng khi đứng lên ngồi xuống, nhưng không chịu được sự va đập mạnh từ một hướng khác.

“Đó là lý do tại sao môn tập thể dục giúp tạo thăng bằng và tự tin là một phương pháp rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa gãy (nứt) xương”, bác sĩ McGowan nói.  Ví dụ, thái cực quyền (tai chi) không cung cấp những hợp chất tạo xương, nhưng nó có thể làm tăng khả năng giữ thăng bằng và phối hợp vận động – và làm cho bạn có nhiều cơ hội giữ lại được thăng bằng trước khi bị vấp ngã.

Các nhà nghiên cứu được Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ tài trợ đang tìm kiếm những cách thức tốt hơn để biết được mức độ cứng chắc của xương, và nguy cơ bạn bị gãy xương.  Tuy nhiên, cho đến nay, xét nghiệm DXA là phương pháp đo lường tối ưu nhất, và nhiều người cao tuổi, thậm chí những phụ nữ lớn tuổi, vẫn chưa biết đến xét nghiệm này, bác sĩ Ensrud nói.  Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe xương của mình, bà nói thêm, “Hãy hỏi bác sĩ gia đình về cơ hội kiểm tra mật độ xương”. (Trở về đầu trang)



TẬP THỂ DỤC GIỮ CHO CHÚNG TA LUÔN TRẺ TRUNG

Những người cao tuổi thường xuyên vận động có chức năng cơ thể giống như những người trẻ tuổi, theo một nghiên cứu mới đây về các tác động của thể dục đối với quá trình lão hóa.  Các kết quả này cho thấy rằng quan niệm của chúng ta về tính chất không thể tránh khỏi của quá trình suy giảm thể chất theo thời gian có thể không còn chính xác và cho thấy rằng quá trình lão hóa, trên diện rộng, tùy thuộc vào mỗi người.


Lão hóa vẫn là một quá trình hết sức bí ẩn.  Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong quá khứ đã chứng minh rằng nhiều quá trình sinh học trong cơ thể thay đổi theo những phương cách ngoài mong muốn khi chúng ta trở nên già đi.  Nhưng khoa học không thể xác định được một cách hoàn toàn liệu những thay đổi đó có phải chủ yếu là do thời gian – mà không thể thay đổi – hoặc phần nào là do lối sống – mà có thể thay đổi.

Câu hỏi hóc búa này đặc biệt đúng trong các trường hợp thiếu vận động.  Ngày nay, những người lớn tuổi thường có xu hướng ít vận động, và lối sống ít vận động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó rất khó tách những tác động của lối sống ít vận động ra khỏi những tác động của lão hóa.

Trong nghiên cứu này, được đăng trên Tạp Chí Sinh Lý Học(The Journal of Physiology), các nhà khoa học tại trường King’s College LondonĐại Học Birmingham (University of Birmingham) ở Anh Quốc đã quyết định sử dụng một phương pháp tiếp cận khác. 

Họ đã loại bỏ yếu tố thiếu vận động trong cuộc nghiên cứu về quá trình lão hóa bằng cách nhìn vào sức khỏe của những người lớn tuổi có vận động đôi chút.

“Chúng tôi muốn tìm hiểu điều gì xảy ra với chức năng của cơ thể khi chúng ta trở nên lớn tuổi nếu chúng ta áp dụng tình huống tốt nhất”, theo lời giáo sư Stephen Harridge, một trong những tác giả của cuộc nghiên cứu và là giám đốc Trung Tâm Con Người và Các Ngành Khoa Học Sinh Lý Không Gian Vũ Trụ (Centre of Human and Aerospace Physiological Sciences) thuộc trường King’s College London.

Để hoàn thành mục tiêu này, các nhà khoa học đã tuyển chọn 85 nam giới và 41 phụ nữ, tuổi từ 55 đến 79, và những người này thường xuyên chạy xe đạp.  Tất cả những tình nguyện viên này đều là những người chạy xe đạp với mục đích tiêu khiển nghiêm túc chứ không phải là những vận động viên chuyên nghiệp.  Những tình nguyện viên nam giới đã chạy được ít nhất 62 dặm (khoảng 100 km) trong vòng 6 giờ 30 phút và những người phụ nữ đã chạy được 37 dặm (khoảng 60 km) trong vòng 5 giờ 30 phút, đây là các chỉ dấu tiêu biểu cho trạng thái sức khỏe tối ưu ở những người cao tuổi. 

Sau đó các nhà khoa học đã tiến hành một loạt kiểm tra thể chất (physical test) và kiểm tra nhận thức (cognitive test) cho mỗi tình nguyện viên.  Các nhà khoa học đã xác định được khả năng chịu đựng, khối lượng và sức bền của cơ, sức đạp, sức khỏe chức năng chuyển hóa, sự thăng bằng, chức năng nhớ, độ dày của xương và các phản xạ.  Các nhà nghiên cứu còn yêu cầu các tình nguyện viên hoàn tất kiểm tra có tên “Timed Up and Go”, đó là, trong thời gian kiểm tra, tình nguyện viên sẽ đứng lên khỏi ghế mà không dùng tay, đi nhanh khoảng 10 feet (3 m), quay người, đi trở lại vị trí cũ và ngồi xuống.

Các nhà nghiên cứu so sánh các kết quả của những tình nguyện viên chạy xe đạp trong nghiên cứu này với nhau đồng thời so sánh với những chỉ dấu của quá trình lão hóa bình thường.  Nếu các con số của một kiểm tra nào đó có kết quả giống nhau trong số những người chạy xe đạp ở mọi lứa tuổi, thì các nhà nghiên cứu cho rằng số đo đó sẽ có nhiều khả năng phụ thuộc vào sự vận động thay vì tuổi tác.

Kết quả là, các tình nguyện viên chạy xe đạp không để lộ tuổi tác của họ.  Trong phần lớn các số đo, chức năng thể lý của họ duy trì ở mức khá ổn định trong nhiều thập niên và rất giống với các số đo của những người thành niên trẻ tuổi hơn thay vì giống với những người ở cùng độ tuổi với họ.

Và các kết quả trong kiểm tra “Timed Up and Go” là những dẫn chứng.  Nhiều người lớn tuổi cần ít nhất 7 giây để hoàn tất thao tác này, những người cần đến 9 hoặc 10 giây được xem nằm trong thang điểm đánh dấu tình trạng già yếu, tiến sĩ Harridge nói.  Nhưng ngay cả những tình nguyện viên lớn tuổi nhất trong nghiên cứu này cũng có thời gian hoàn tất kiểm tra trung bình là 5 giây, được xem là “nằm trong thang điểm bình thường được báo cáo cho những người thành niên trẻ tuổi khỏe mạnh”, các tác giả nghiên cứu viết.

Tuy nhiên, một số phương diện về quá trình lão hóa được chứng minh là không thể tránh khỏi.  Những tình nguyện viên chạy xe đạp lớn tuổi nhất có sức bền và khối lượng cơ ít hơn những người ở độ tuổi 50 và đầu 60, đồng thời số lượng oxy sử dụng khi vận động cũng thấp hơn.  Tuổi tác xem ra cũng góp phần làm giảm sức chịu đựng và sức lực của chúng ta tới một mức độ nào đó, tiến sĩ Harridge nói, ngay cả khi chúng ta thường xuyên tập thể dục.

Nhưng cho dù như thế, cả hai số đo này đều có chỉ số cao hơn trong số những tình nguyện viên chạy xe đạp lớn tuổi nhất khi được so sánh với những người bình thường ở độ tuổi từ 70 trở lên. 

Tóm lại, những con số này cho thấy rằng quá trình lão hóa trở nên khác hẳn ở những người thường xuyên vận động.

“Nếu bạn đưa tập dữ liệu này cho một bác sĩ lâm sàng và yêu cầu bác sĩ đoán tuổi” của một trong những người chạy xe đạp này dựa trên các kết quả kiểm tra của họ, tiến sĩ Harridge nói, “thì điều này thật không thể”.  Trên giấy tờ, tất cả họ đều trông rất trẻ.

Đương nhiên rồi, vì nghiên cứu này chỉ dựa trên một quan sát độc lập ở một nhóm những người lớn tuổi khá hiếm (chạy xe đạp thường xuyên), theo lời tiến sĩ Harridge.  Ông và các đồng nghiệp đã đưa ra kế hoạch tái kiểm tra những tình nguyện viên này trong vòng 5 đến 10 năm, như thế sẽ giúp cung cấp những thông tin đáng tin cậy hơn về những tác động tiếp diễn của việc thể dục lên quá trình lão hóa.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi có được những kết quả nghiên cứu này, tiến sĩ Harridge nói, bản thân ông đã gần 50 tuổi và rất thích chạy xe đạp, nghiên cứu đã giúp chứng minh một điều rằng “lối sống thường xuyên vận động giúp cho chức năng cơ thể bạn ở bên trong hoạt động không khác một người trẻ tuổi”. (Trở về đầu trang)




ĂN TRỨNG MỖI NGÀY CÓ AN TOÀN KHÔNG

Nếu bạn thích ăn trứng, thì có thể bạn sẽ lo lắng trứng không có lợi cho tim bạn.  Tuy nhiên, bạn không cần phải lo.  Nếu bạn có sức khỏe tốt, thì bạn có thể ăn trứng mà không cảm thấy có lỗi với cơ thể.  Nhưng với số lượng bao nhiêu và tần suất thế nào?


Về mặt dinh dưỡng, trứng là nguồn cung cấp phong phú cho cơ thể.  Với khoảng 70 calorie trong một quả trứng lớn, loại thực phẩm này là một nguồn dồi dào chứa protein giúp ổn định mức đường huyết và tạo cấu trúc cho cơ thể.  Protein trong trứng cũng có chất lượng cao, cung cấp tất cả những axit amin (amino acid) cần thiết.

Lòng đỏ trứng (egg yolk) cũng chứa các chất chống oxy hóa mà chúng có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (age-related macular degeneration) và bệnh đục thủy tinh thể (cataracts), đồng thời bảo vệ chống lại bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư.  Một quả trứng lớn cũng là một nguồn tuyệt vời chứa selen (selenium), một khoáng chất chống oxy hóa giúp chống lại quá trình tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra cũng như hỗ trợ chức năng miễn dịch và tuyến giáp, và chất riboflavin, một loại vitamin B giúp chuyển hóa các chất hydrat-cacbon (carbohydrate) thành năng lượng, cũng như vitamin D, một hợp chất rất quan trọng cho sức khỏe của xương và răng.

Tất cả toàn là những chất có lợi cho sức khỏe.  Như thế ăn một quả trứng mỗi ngày có an toàn không?

Khoa học vẫn hoàn toàn chưa hiểu rõ vấn đề này.  Một nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Y Khoa Anh Quốc (British Medical Journal) vào năm 2003, đã tìm thấy rằng trong số 115 000 người thành niên được theo dõi suốt 14 năm, thì việc tiêu thụ một quả trứng mỗi ngày không có mối liên hệ nào với nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch vành (coronary heart disease) và đột quỵ (stroke: tai biến mạch máu não). 

Trứng cũng có thể làm cho bạn có cảm giác no, và thậm chí có thể giúp bạn ăn ít hơn.

Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Dinh Dưỡng Châu Âu (European Journal of Nutrition) năm 2013, 30 nam giới khỏe mạnh được chỉ định một cách ngẫu nhiên ăn 1 trong 3 bữa điểm tâm – trứng ốp la, ngũ cốc bắp (cornflakes) với sữa, và bánh mì nướng, hoặc bánh sừng bò (croissant) và nước cam – trong ba dịp khác nhau, mỗi dịp cách nhau một tuần.  Các tình nguyện viên cảm thấy no và ít đói, cũng như ít có cảm giác thèm ăn sau khi dùng bữa điểm tâm với trứng hơn so với các bữa điểm tâm khác.  Họ cũng ăn trưa và ăn tối ít hơn sau khi ăn sáng với trứng khi so sánh với các bữa điểm tâm khác.

Trong một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp Chí Quốc Tế về Khoa Học Thực Phẩm và Dinh Dưỡng (International Journal of Food Science and Nutrition) vào năm 2011, những người thành niên đã ăn 3 bữa trưa, gồm trứng tráng (omelet), khoai tây gọt vỏ hoặc bánh mì kẹp thịt gà (mỗi bữa đều có số lượng calorie bằng nhau) – sau một bữa điểm tâm thông thường.  Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng bữa ăn trưa với trứng tạo cảm giác thỏa mãn hơn nhiều so với bữa ăn trưa với khoai tây.  Họ đã kết luận rằng ăn trứng vào bữa trưa có thể làm tăng cảm giác no nê hơn so với bữa ăn bao gồm các chất hydrat-cacbon (carbohydrate) và thậm chí có thể giúp giảm số lượng calorie tiêu thụ giữa những bữa ăn.

Vì mối liên hệ giữa tình trạng quá cân và bệnh tim được thiết lập một cách rõ ràng, do đó ăn trứng để kiểm soát khẩu vị là một ý tưởng tuyệt vời.

Nhưng có những khuyến cáo được đưa ra.  Trứng là một nguồn chứa chất béo bão hòa (saturated fat), và việc tiêu thụ quá nhiều loại chất béo này đã được chứng minh sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol tổng cộng và hàm lượng cholesterol “xấu” LDL, đây là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.

Mặc dù một quả trứng lớn chứa khoảng 1,6 g chất béo bão hòa, nhưng trên 50% số lượng chất béo trong một quả trứng – 2,7 g – bắt nguồn từ các axit béo không bão hòa đơn (monounsaturated) và không bão hòa đa liên kết (polyunsaturated) kết hợp với nhau (bao gồm các axit béo omega 3).

Các hướng dẫn đề xuất mức tiêu thụ tối đa là 300 mg cholesterol mỗi ngày.  Đối với những người bị bệnh tim, bệnh tiểu đường loại 2 hoặc cao cholesterol “xấu” LDL, Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) và Chương Trình Giáo Dục Cholesterol Quốc Gia(National Cholesterol Education Program - NCEP) đề xuất giảm mức tiêu thụ cholesterol xuống còn 200 mg mỗi ngày.  Mặc dù một quả trứng lớn chứa khoảng 180 mg cholesterol, nhưng một vài nghiên cứu đã đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cholesterol trong bữa ăn và bệnh tim cũng như đột quỵ (tai biến mạch máu não).

Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Xơ Vữa Động Mạch(Atherosclerosis), sự bồi tích mảng vữa ở các động mạch cảnh được đo lường và các thói quen tự báo cáo (bao gồm tiêu thụ lòng đỏ trứng và hút thuốc lá) đã được kiểm tra đánh giá ở 1231 người lớn tuổi.  Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng mặc dù tình trạng bồi tích mảng vữa xảy ra đều đặn ở những tình nguyện viên sau tuổi 40, nhưng những người tiêu thụ nhiều lòng đỏ trứng nhất – mỗi tuần 3 hoặc nhiều hơn – có mức bồi tích mảng vữa tương tự (mặc dù không đến nỗi tệ như thế) như những người hút thuốc lá. 

Mặc dù được quảng cáo thổi phồng trên các phương tiện truyền thông, nhưng một số chuyên gia đã nghi ngờ về các kết quả này và chất lượng của cuộc nghiên cứu. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được đăng trên Tạp Chí Y Học New England (The New England Journal of Medicine) đã tìm thấy rằng ăn hai quả trứng luộc chín mỗi ngày sẽ thúc đẩy quá trình hình thành trimethylamine N-oxide (TMAO), một chất hóa học được xem gắn liền với nguy cơ gia tăng bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ (tai biến mạch máu não).  Lòng đỏ trứng chứa lecithin, một chất béo cần thiết góp phần hình thành chất TMAO.

Do đó, điều quan trọng là phải luôn theo sát đề xuất của Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ, đó là, ăn một quả trứng mỗi ngày hoặc 7 quả trứng mỗi tuần. 

Thật khó để biết được mỗi tuần chúng ta có thể tiêu thụ bao nhiêu trứng hoặc sản phẩm từ trứng.  Hãy cố gắng hạn chế tiêu thụ khoảng 1 quả trứng (đồng thời thêm vào một ít lòng trắng trứng cũng như rau củ tươi) khi làm món trứng xào (scrambled egg), trứng chiên (omelet: trứng tráng) và chả trứng (frittata).  Bạn vẫn có thể ăn thêm một ít lòng trắng trứng (egg white) trong tuần.

Hãy luôn chú ý đến các loại thực phẩm khác mà chúng thường được làm bằng trứng, bao gồm các loại bánh nướng lò, bánh mì cắt lát nướng(French toast), các loại nước trộn xà lách (salad dressing), thịt viên (meatball), và thịt bò nướng lò (meat loaf).  Nếu bạn có nguy cơ hoặc bị cao cholesterol, bệnh tim hoặc bệnh tiểu đường loại 2, thì bạn nên cắt giảm tiêu thụ lòng đỏ trứng và các loại thực phẩm từ động vật giàu chất béo bão hòa và cholesterol. (Trở về đầu trang)



2 TRONG 3 PHỤ NỮ BỊ THỨC GIẤC VÀO BAN ĐÊM ĐỂ ĐI TIỂU

Thức giấc vào ban đêm để sử dụng nhà vệ sinh thường được xem là một vấn đề xảy ra chủ yếu ở những người đàn ông lớn tuổi.  Tuy nhiên, 2 trong 3 phụ nữ trên 40 tuổi thường bị thức giấc ít nhất 1 lần mỗi đêm để đi tiểu.  Và hầu như một nửa trong số họ bị thức giấc 2 hoặc nhiều lần vào ban đêm để đi vào nhà vệ sinh.


Đó là kết quả từ một nghiên cứu bao gồm 2000 phụ nữ ở miền bắc California từ 40 tuổi trở lên.  Họ được đặt những câu hỏi liên quan đến những lý do đi tiểu ban đêm (nocturia), đây là thuật ngữ y khoa ám chỉ tình trạng thức giấc để đi tiểu 2 hoặc nhiều lần vào ban đêm.

Các yếu tố làm tăng khả năng thức giấc vào ban đêm để đi tiểu ở phụ nữ bao gồm tuổi tác, đã từng tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung (hysterectomy), có cảm giác nóng đột ngột (hot flash), và sử dụng estrogen ở âm đạo.  Các kết quả sẽ được đăng trên tạp chí Sản Khoa và Phụ Khoa (Obstetrics & Gynecology) trong số ra tháng Giêng.

Cho đến nay, nhiều bác sĩ lâm sàng nghĩ rằng những phụ nữ thức giấc vào ban đêm để đi tiểu mắc phải một loại rối loạn nào đó gây ra tình trạng này.  Đây chính là trường hợp của nam giới, nhiều người đàn ông thức giấc đi tiểu vào ban đêm do bị phì đại tuyến tiền liệt (enlarged prostate gland).  Có điều ngạc nhiên rằng nhiều phụ nữ trong số này không bị các vấn đề về tiết niệu, chẳng hạn như bàng quang hoạt động quá tích cực (overactive bladder) hoặc chảy nước tiểu trong lúc ho (stress incontinence).

Ngoài ra, yếu tố gây ngạc nhiên là chỉ có 25% số phụ nữ bị tình trạng đi tiểu đêm tham gia cuộc khảo sát này cảm thấy khó chịu khi bị thức giấc vào ban đêm để đi tiểu.

Thức dậy một lần hoặc nhiều lần mỗi đêm để đi tiểu có thể không “gây khó chịu”, nhưng nó có thể gây ra vấn đề.  Nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.  Nó có thể gây té ngã và gây thương tổn.

Các Nguyên Nhân Tiềm Ẩn Gây Ra Tình Trạng Đi Tiểu Đêm

Nếu các kết quả của nghiên cứu này áp dụng cho cộng đồng dân cư chung, thì nhiều phụ nữ bị tình trạng đi tiểu đêm không có bất kỳ rối loạn đường tiết niệu tiềm ẩn nào.  Nhưng vẫn không thiếu phần quan trọng để cân nhắc xem có lý do tiềm ẩn nào gây ra tình trạng đi tiểu đêm này không, đặc biệt nếu như nó vừa mới bắt đầu.

Các lý do bệnh lý gây ra tình trạng đi tiểu đêm bao gồm:

-      Hàm lượng đường huyết cao làm cho đường rò rỉ vào nước tiểu, kéo theo số lượng lớn nước với nó.
-      Hàm lượng cao canxi huyết.  Canxi từ máu có thể đi vào nước tiểu, kéo theo nước với nó.
-      Bệnh thận.  Một số chứng bệnh thận có thể làm cho thận sản sinh nhiều nước tiểu hơn bình thường.
-      Quá ít hooc môn chống lợi tiểu (antidiuretic hormone).  Không có loại hooc môn này, cơ thể của bạn không thể giữ lại nước.  Tình trạng này được gọi là bệnh tiểu đường vô vị (diabetes insipidus: insipidus trong tiếng Latin có nghĩa là không mùi vị).
-      Nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection).  Các vi khuẩn trong nước tiểu có thể gây viêm bàng quang, gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên.
-      Các loại thuốc lợi tiểu (diuretic) và một số các loại thuốc khác làm cho cơ thể sản sinh nhiều nước tiểu.
-      Chứng ngưng thở trong lúc ngủ (sleep apnea) và hội chứng chân không yên (restless legs syndrome).  Cả hai rối loạn liên quan đến giấc ngủ này thường đánh thức bệnh nhân trong lúc đang ngủ.  Những vấn đề đánh thức này có thể khiến họ phải đi vào nhà vệ sinh.
-      Ứ nước ở chân (chứng phù).  Chất lỏng tích lũy ở chân vào ban ngày có thể di chuyển đến thận, và sau đó được thải ra ngoài theo nước tiểu vào ban đêm.

Ngoài trường hợp ứ nước ở chân, các rối loạn khác hầu như luôn luôn gây đi tiểu thường xuyên vào ban ngày cũng như ban đêm.

Những sự giải thích đơn giản hơn có thể là: Có thể bạn đang uống quá nhiều nước cũng như các chất lỏng khác.  Việc uống bia rượu và các thức uống chứa caffeine, đặc biệt vào buổi chiều tối, cũng làm tăng số lượng nước tiểu do thận sản sinh.

Các bước đơn giản giúp phòng tránh tình trạng đi tiểu đêm

Nếu bạn là phụ nữ và bị tình trạng đi tiểu đêm, thì đừng do dự để trao đổi điều này với bác sĩ gia đình, đặc biệt nếu như đây là một vấn đề mới xuất hiện.  Có thể không phải do một chứng bệnh nào đó gây ra tình trạng tiểu đêm của bạn, nhưng tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Nếu tình trạng đi tiểu đêm là do một chứng bệnh nào đó gây ra, thì việc điều trị chứng bệnh này có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.  Nếu không, những thay đổi về lối sống có thể giúp ích cho những phụ nữ - hoặc nam giới – bị tình trạng đi tiểu đêm:

-      Vào ban ngày, chỉ nên uống đủ lượng để giảm cơn khát và duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.  Nhưng nên ngưng uống nước trước lúc ngủ khoảng 4 – 5 giờ.
-      Hãy xem xét lượng caffeine mà bạn tiêu thụ.  Ở một số người, các thức uống chứa caffeine có thể ảnh hưởng đến quá trình sản sinh nước tiểu sau khi tiêu thụ các thức uống này.
-      Nếu bạn thường uống rượu bia, hãy cố gắng giữ ở mức độ vừa phải (không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ, và không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới).  Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi uống rượu bia vào giờ đi ngủ. (Trở về đầu trang)



PHƯƠNG PHÁP GIÚP BẠN ĐẠI TIỆN DỄ DÀNG HƠN

Nếu bạn từng gặp khó khăn trong vấn đề đại tiện, thì bạn biết rằng đôi lúc bạn rất muốn thử bất cứ phương pháp gì để giải quyết vấn đề táo bón.  Chất xơ, các loại thuốc làm mềm phân, các thuốc rửa – bất cứ hình thức nào có thể giúp bạn. 


Tuy nhiên, có một thứ có lẽ bạn chưa bao giờ thử, và nó có thể là chìa khóa để mở cánh cửa này mà hoàn toàn không xuất hiện tác dụng phụ.  Khuyết điểm: bạn phải dùng tay.  Phương pháp này áp dụng kỹ thuật mát xa vùng đáy chậu (perineum: vùng nằm giữa hậu môn và bộ phận sinh dục).  Khu vực này chứa một huyệt (pressure point), mà khi bạn mát xa, có thể làm giảm tình trạng táo bón, theo một nghiên cứu mới trong Tạp Chí Nội Khoa Tổng Quát (Journal of General Internal Medicine).

Bởi vì tình trạng táo bón là một vấn đề than phiền siêu phổ biến – lên đến 19% trong số chúng ta phải đối mặt với nó, theo báo cáo của nghiên cứu, và tình trạng này ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn so với nam giới – do đó các nhà nghiên cứu đã quyết định xem xét những phương cách thay thế để xoa dịu cảm giác bị ứ đọng bên cạnh việc ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ và tập thể dục nhiều hơn.  Những phụ nữ mang thai lâu nay vẫn được tư vấn mát xa vùng đáy chậu thường xuyên để giúp làm thư giãn khu vực này và ngăn ngừa bị rách trong lúc sinh con, và các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng mát xa có thể giúp làm cho vấn đề đại tiện cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Họ đã chia 100 đối tượng bị táo bón thành 2 nhóm: Một nhóm được cung cấp những thông tin về các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, trong khi nhóm kia tiếp nhận các thông tin về chọn lựa điều trị đồng thời cũng được hướng dẫn cách tự mát xa vùng đáy chậu.  Sau 4 tuần, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhóm mát xa đã cải thiện được chức năng đại tiện khi được so sánh với nhóm điều trị tiêu chuẩn.  Những người tham gia nghiên cứu trong nhóm được hướng dẫn mát xa vùng đáy chậu nói rằng phương pháp này giúp phân nhỏ hoặc làm mềm phân (stool), và 82% trong số này nói rằng họ sẽ tiếp tục mát xa sau khi kết thúc nghiên cứu.

Kết luận, theo các nhà nghiên cứu: Các bác sĩ nên hướng dẫn cho các bệnh nhân bị táo bón cách mát xa vùng đáy chậu thay vì chỉ yêu cầu họ tiêu thụ các loại ngũ cốc nguyên hạt (bran cereal) hoặc khuyến khích họ tập thể dục.  Và trong lúc cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng thực phương pháp sử dụng tay này thực sự hiệu quả, thì chắc chắn sẽ không có hại nếu như bạn thử mát xa vùng đáy chậu trong trường hợp bị táo bón. (Trở về đầu trang)



VÌ SAO CÀNG GÃI CÀNG NGỨA

Đừng động đậy (táy máy) tay chân! Bạn càng gãi thì bạn càng ngứa thêm, theo một nghiên cứu mới từ trường Đại Học Washington(Washington University) ở St. Louis.


Các nhà khoa học đã tiêm vào các chú chuột (cơ thể chuột không thể tự sản sinh serotonin) một chất mà được xem là có thể làm cho chúng bị ngứa.  Nhưng kết quả không như mong đợi, các chú chuột đã không gãi nhiều, có nghĩa là chúng không cảm thấy ngứa nhiều.  Khi các nhà nghiên cứu tiêm serotonin vào các động vật bộ gặm nhấm, thì chúng bắt đầu gãi dữ dội.

Do đó, bạn càng có nhiều serotonin, bạn càng bị ngứa, theo lời của tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Zhou-Feng Chen.

Bạn hãy đoán xem yếu tố gì làm tăng hàm lượng serotonin?  Đó chính là hành động gãi ở da để cho cảm giác ngứa của bạn đi vào quên lãng.

Khi bạn càng gãi, thì bạn càng làm tổn thương da, do đó gửi cấp tốc tín hiệu đau đến não.  Não biết rằng cảm giác đau không có lợi cho cơ thể, cho nên nó cố gắng làm dịu bớt cảm giác đó.  Để làm điều này, não sản sinh tối đa serotonin để ức chế cảm giác đau đó.  

Nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy rằng chất serotonin thực sự có tác dụng kích hoạt các phản ứng ngứa của bạn, mà chỉ càng làm tăng cảm giác ngứa khó chịu đó thêm.  Ngoài ra, cơ thể bạn cần đến chất truyền dẫn thần kinh này cho một số chức năng quan trọng, bao gồm chức năng kiểm soát tâm trạng của bạn.  Đó là lý do chất serotonin được gọi là “chất hóa học hạnh phúc – happy chemical”, theo lời tiến sĩ Chen.  Nếu bạn không có đủ serotonin, bạn có thể phát triển những vấn đề khác, chẳng hạn như chứng trầm cảm (depression).

Cách giải quyết: Đập nhẹ túi đá lạnh lên chỗ da bị ngứa – cảm giác lạnh có thể làm giảm tình trạng ngứa, tiến sĩ Chen nói.  Và nếu như chỗ ngứa của bạn đi kèm với hiện tượng bong da, thì bạn có thể đã bị khô da.  Dùng dưỡng thể làm ẩm da có thể giúp giảm ngứa.

Nhưng đối với những người bị ngứa mãn tính – ví dụ những người bị bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm (atopic dermatitis – eczema) – thì những phát hiện này có thể báo hiệu khả năng ức chế ngứa càng cao trong tương lai.  Một ngày nào đó các nhà khoa học có thể ngăn chặn sự trao đổi thông tin giữa các thụ thể serotonin (serotonin receptor) và các thụ thể ngứa (itch receptor), tiến sĩ Chen nói.  Và như thế sẽ ngăn chặn tình trạng ngứa của bạn tận gốc. (Trở về đầu trang)



NGĂN NGỪA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2 – CÁC BƯỚC HƯỚNG ĐẾN MỘT ĐỜI SỐNG KHỎE MẠNH HƠN

Những người mắc bệnh tiểu đường gặp phải những trục trặc với đường huyết (blood sugar).  Mức đường huyết trong cơ thể họ, hay còn gọi là glucoza huyết (blood glucose), có thể tăng quá cao.  Mức đường huyết cao có thể gây ra rất nhiều trở ngại.  Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) làm cho bạn tăng nguy cơ bị bệnh tim, mù, cắt cụt tay chân, và các vấn đề nghiêm trọng khác.  Nhưng dạng bệnh tiểu đường phổ biến nhất, được gọi là bệnh tiểu đường loại 2 (type 2 diabetes), có thể tránh khỏi hoặc trì hoãn được nếu bạn biết những cách phòng tránh.


Có khoảng 29 triệu người dân Hoa Kỳ, hoặc 1 trong 10 người, mắc bệnh tiểu đường.  Có rất nhiều người bị chứng tiền tiểu đường (prediabetes).  Những người bị tiền tiểu đường thường không xuất hiện các triệu chứng, nhưng họ vẫn có nguy cơ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, và đột quỵ.

Nghiên cứu cho thấy rằng bạn có thể giảm được đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và tiền tiểu đường bằng cách tiến hành chế độ ăn uống lành mạnh, vận động nhiều, và giảm cân thừa.

Bệnh tiểu đường loại 2 phát sinh do các vấn đề liên quan đến một loại hooc môn có tên là insulin.  Khi cơ thể chúng ta tiêu hóa thực phẩm, thì chúng được phân nhỏ và chuyển hóa thành glucoza (glucose) và các phân tử khác, sau đó các phân tử này di chuyển theo máu.  Insulin báo hiệu cho các tế bào tiếp nhận glucoza để sử dụng như một nguồn năng lượng.  Khi một người bị bệnh tiểu đường loại 2, thì có thể là các tế bào không thể sử dụng insulin, hoặc cơ thể không sản sinh đủ insulin.  Kết quả là, glucoza có thể tích lũy trong máu đến mức gây hại.

Bệnh tiểu đường loại 2 thường xảy ra nhiều nhất ở những người từ tuổi trung niên trở lên, nhưng những người trẻ tuổi vẫn có thể mắc phải chứng bệnh này.  “Trước những năm giữa và cuối thập niên 1990, hầu như chúng ta không bao giờ thấy bệnh tiểu đường loại 2 xuất hiện ở trẻ em”, theo lời của tiến sĩ Barbara Linder, một chuyên gia về bệnh tiểu đường trẻ em của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH).  Nhưng hiện nay, bệnh tiểu đường loại 2 lại trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, song song với tỷ lệ béo phì ở trẻ em gia tăng.

Một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 nằm ngoài sự kiểm soát của một người.  Có một thành viên trong gia đình (cùng huyết thống) bị bệnh tiểu đường sẽ làm cho bạn bị tăng nguy cơ phát triển chứng bệnh này.  Bệnh tiểu đường loại 2 cũng thường được tìm thấy nhiều hơn ở một số sắc tộc, bao gồm người Mỹ gốc Châu Phi, những Alaska bản xứ, người Mỹ Da Đỏ, người Mỹ gốc Châu Á, những người ở các đảo Thái Bình Dương (Pacific Islander), và những người gốc Châu Mỹ Latin.

Những người quá cân, béo phì, hoặc ít vận động cũng có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2.  Nhưng đây là các yếu tố nguy cơ mà bạn có thể thay đổi, và nếu như bạn có thể làm được điều này thì bạn sẽ giảm được đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Để hiểu được làm thế nào việc giảm cân có thể tác động đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu vào đầu thập niên 1990, nghiên cứu này có tên là Chương Trình Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường (Diabetes Prevention Program).  Các bác sĩ đều đã biết rằng quá cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, nhưng họ không rõ liệu việc giảm cân có giảm được nguy cơ đó không.

Nghiên cứu này đã ghi danh trên 3000 người bị quá cân và tiền tiểu đường.  Họ được được chia thành các nhóm khác nhau (một cách ngẫu nhiên).

Một nhóm thường xuyên gặp các nhà nghiên cứu để chú trọng vào các hành vi có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như ăn ít calorie hơn và tập thể dục nhiều hơn; nhóm này lên kế hoạch giảm ít nhất 7% cân nặng của cơ thể và vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần.  Một nhóm khác tiếp nhận metformin, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, cùng với các hướng dẫn tiêu chuẩn về chế độ ăn uống và tập thể dục.  Một nhóm kiểm soát (control group) tiếp nhận những hướng dẫn tiêu chuẩn và giả dược không hoạt tính, loại này hoàn toàn không có các tác dụng của thuốc.

Sau khoảng 3 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng nguy cơ bệnh tiểu đường giảm xuống khoảng 58% ở nhóm được khuyến khích thực hiện những thay đổi lối sống lành mạnh.  Khoảng 38% ở nhóm đạt được và duy trì các mục tiêu giảm cân và 58% các mục tiêu vận động.  Nhóm sử dụng thuốc metformin cũng có ít khả năng phát triển bệnh tiểu đường hơn; nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của họ giảm xuống khoảng 31% khi được so sánh với nhóm kiểm soát.

Trong một nghiên cứu theo dõi (follow-up study), những thay đổi về lối sống và thuốc metformin tiếp tục giảm được nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, cho dù các hiệu ứng này giảm dần.  Sau 10 năm, những người tiếp tục với những thay đổi về lối sống làm chậm được tiến độ bệnh tiểu đường khoảng 4 năm khi được so sánh với những người trong nhóm kiểm soát.  Những người tiếp tục sử dụng thuốc metformin trì hoãn được tiến độ bệnh tiểu đường khoảng 2 năm.

Thuốc metformin từ lâu đã được chấp thuận sử dụng cho việc điều trị bệnh tiểu đường loại 2.  Tuy nhiên, cơ quan FDA của Hoa Kỳ chưa chấp thuận loại thuốc này cho việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2.  Nghiên cứu cho thấy rằng các tác dụng ngăn ngừa của thuốc này có thể có hiệu quả nhất ở những người trẻ tuổi và những người có cân nặng cao hơn.  Đối với những người cao tuổi, những thay đổi về lối sống tỏ ra hết sức có lợi; những thay đổi này giúp giảm bớt nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường khoảng 71%.

“Giảm cân là chìa khóa, và vận động là yếu tố rất quan trọng, nhưng những thay đổi về lối sống thật không bao giờ dễ dàng”, theo lời của giám đốc Chương Trình Giáo Dục Bệnh Tiểu Đường Quốc Gia (National Diabetes Education Program) Joanne Gallivan.  Chương trình này cung cấp những phương pháp giúp giảm cân, ăn uống lành mạnh, và vận động.  Các hướng dẫn cụ thể được cung cấp cho một vài nhóm người, chẳng hạn như trẻ em và những người cao tuổi.  Phần lớn các tài liệu được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha, và một số được thực hiện bằng những ngôn ngữ khác.

Như Chương Trình Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường đã chứng minh, chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giảm được nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.  Bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công trong việc giảm cân, tiến sĩ Linder nói, “nếu bạn có thể tìm thấy được những hoạt động thể chất mà bạn cảm thấy thích và có thể thực hiện mỗi ngày”.

Để giảm cân, bạn cần đốt nhiều calorie hơn số lượng bạn tiêu thụ.  Những người tham gia vào Chương Trình Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường đã thực hiện một chế độ ăn ít calorie và ít chất béo.  Hiện nay các chuyên gia nhận ra rằng mỗi cá nhân khác nhau có thể cần đến những chế độ ăn khác nhau.  “Nếu bạn ăn nhiều chất béo, đó là chất bạn cần cắt giảm.  Nếu bạn ăn nhiều kẹo, thì đó là loại thực phẩm bạn cần cắt giảm”, tiến sĩ Linder nói.  “Bạn phải thay đổi chế độ ăn để phù hợp với nhu cầu của bản thân”.

Các chuyên gia đề xuất rằng những người có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 phải tập thể dục mỗi tuần ở mức độ vừa phải, khoảng 150 phút mỗi tuần.  Đó là 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần.

“Hãy cố gắng làm tăng nhịp tim lên đôi chút.  Cố gắng tập thể dục để có chút mồ hôi”, theo lời của tiến sĩ David Nathan, người đứng đầu các nghiên cứu của Chương Trình Ngăn Ngừa Bệnh Tiểu Đường.  Chương trình tập luyện được sử dụng trong nghiên cứu hiện nay đã được phổ biến rộng rãi; ví dụ, hiện nay tổ chức YMCA (Young Men’s Christian Association) đã đưa ra một chương trình dựa trên nghiên cứu này.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể giúp bạn quyết định phải làm gì.  Xét nghiệm máu có tên là xét nghiệm A1C (A1C test) có thể kiểm tra mức glucoza trung bình trong máu để xem bạn có bị tiền tiểu đường không.

Tiến sĩ Nathan nói rằng những người trên 45 tuổi cần phải được kiểm tra tầm soát bệnh tiểu đường, cũng như những người có nguy cơ cao.  Các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường loại 2 bao gồm cao huyết áp, cao cholesterol, hoặc có tiền sử bị bệnh tiểu đường phát triển trong lúc mang thai (gestational diabetes) hoặc bệnh tim mạch.

Vào năm 2012, có khoảng 1,7 triệu người Mỹ tuổi từ 20 trở lên được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường.  “Đây không phải là một tin vui, nhưng con số này thực sự thấp hơn con số 1,9 triệu các trường hợp mới được chẩn đoán vào năm 2010”, tiến sĩ Nathan nói.  “Có thể là chúng ta đã cải thiện được đôi chút”. (Trở về đầu trang)


Nguồn(Sources):

0 comments:

Post a Comment