Wednesday, February 25, 2015

BỆNH PARKINSON (PARKINSON'S DISEASE) - Do LQT Biên Dịch


CÁC NGUYÊN NHÂN

Mặc dù người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Parkinson, nhưng đa số các trường hợp bệnh được đặt giả thiết là do sự phối hợp giữa các yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường.  Hiện nay, có khoảng 10% các trường hợp bệnh Parkinson là do các yếu tố di truyền gây ra.  



Các Yếu Tố Di Truyền

Các yếu tố di truyền đặc biệt xem ra đóng một vai trò quan trọng đối với bệnh Parkinson bắt đầu sớm, một dạng bệnh Parkinson không phổ biến.  Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhiều yếu tố di truyền cũng có thể liên quan đến một số trường hợp bệnh Parkinson bắt đầu trễ.

Nếu các yếu tố di truyền tỏ ra quan trọng đối với một chứng bệnh nào đó, thì sự hiện diện của một đặc điểm di truyền trong các cặp sinh đôi hợp tử đơn giống nhau(identical monozygotic twin) sẽ có tỷ lệ cao hơn ở các cặp sinh đôi hợp tử kép(dizygotic twin), mà các cặp sinh đôi hợp tử kép chỉ có chung 50% các loại gen. Các nghiên cứu ban đầu về bệnh Parkinson ở các cặp sinh đôi thường tìm thấy tỉ lệ xuất hiện đặc điểm di truyền bằng nhau cho các cặp sinh đôi hợp tử đơn và hợp tử kép.

Tuy nhiên, các yếu tố di truyền đối với bệnh Parkinson xem ra rất quan trọng khi căn bệnh bắt đầu trước hoặc vào tuổi 50.  Trong một nghiên cứu của 193 cặp sinh đôi, sự xuất hiện đặc điểm di truyền có tỷ lệ giống nhau đối với các cặp hợp tử đơn và hợp tử kép, nhưng trong 16 cặp sinh đôi mắc bệnh Parkinson trước hoặc vào tuổi 50, tất cả 4 cặp hợp tử đơn có chung đặc điểm di truyền, nhưng chỉ có 2 trong số 12 cặp hợp tử kép có chung đặc điểm di truyền.

Mặc dù người ta vẫn chưa rõ những cơ chế gây ra bệnh Parkinson của các đột biến gen, nhưng các bằng chứng hiện nay tập trung vào các cơ chế liên quan đến sự tập hợp protein bất thường, sự thoái hóa protein bị lỗi do ubiquitin, sự suy giảm chức năng của ty lạp thể chứa ATP (mitochondria), và sự hủy hoại do oxy hóa.

Những Thay Đổi Hình Thể Protein Alpha-Synuclein và Sự Tập Hợp

Protein alpha-synuclein được tập hợp một cách bất thường là thành phần chính của các tập hợp Lewy (Lewy body) và các sợi trục thần kinh Lewy (Lewy neurites), mà đó chính là các phát hiện bệnh học đặc trưng của bệnh Parkinson.  Các đột biến vô nghĩa (missense mutation: sự đột biến trong đó một codon viết mã cho một axit amin được chuyển thành một codon viết mã cho một axit amin khác) và những quá trình tái tạo bản sao gen SNCA viết mã cho protein alpha-synuclein (mặc dù hiếm) gây ra bệnh Parkinson được di truyền từ mẹ hoặc cha hoặc cả hai (autosomal dominant Parkinson disease).  Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến bộ gen cũng cho thấy mối liên hệ giữa gen SNCA và bệnh Parkinson xảy ra không thường xuyên.

Sự suy giảm chức năng hoạt động của protein alpha-synuclein xem ra đóng một vai trò trung tâm trong sự phát sinh bệnh Parkinson, và hiểu được mối liên hệ của nó với quá trình bệnh sẽ có triển vọng phát triển các phương pháp chữa khỏi căn bệnh này.

Các Yếu Tố Môi Trường

Các yếu tố môi trường nói riêng có thể không phải là nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson, nhưng chúng có thể kích thích tạo ra tình trạng bệnh này ở những người có khuynh hướng di truyền dễ mắc bệnh này.

Các yếu tố môi trường thường liên quan đến sự phát triển bệnh Parkinson bao gồm việc sử dụng thuốc trừ sâu (pesticide), sống ở nông thôn, tiêu thụ nước giếng, tiếp xúc với thuốc diệt cỏ (herbicide), và sống gần những nhà máy công nghiệp hoặc những nơi khai thác mỏ (quarries).  Học Viện Quốc Gia Về Sức Khỏe - Nghiên Cứu Sức Khỏe và Chế Độ Dinh Dưỡng AARP (The National Institutes of Health-AARP Diet and Health Study), cũng như phương pháp phân tích dữ liệu đa nghiên cứu (meta-analysis), đã tìm thấy rằng tiêu thụ nhiều chất caffeine được xem có khả năng hạ giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở cả nam giới và phụ nữ.  Một mối liên hệ tương tự giữa hút thuốc là và nguy cơ mắc bệnh Parkinson cũng đã được tìm thấy.  Các cơ chế sinh học làm nền tảng cho mối liên hệ nghịch đảo giữa chất caffeine hoặc thuốc lá và nguy cơ mắc bệnh Parkinson vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thuốc MPTP can thiệp vào chức năng của ty lạp thể chứa ATP (mitochondria)

Một số cá nhân được xác định phát triển bệnh Parkinson sau khi tự tiêm thuốc 1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine (MPTP: một sản phẩm phụ của quá trình tổng hợp thuốc dẫn xuất meperidine với các tính thuốc mạnh như heroin).  Các bệnh nhân này phát triển hiện tượng cử động và phản xạ chậm (bradykinesia), co cứng cơ (rigidity), và rung lắc (rung tay), diễn biến trong vài tuần và được cải thiện sau khi tiếp nhận trị liệu thay thế dopamine (dopamine replacement therapy).  Thuốc MPTP vượt qua rào cản máu-não và được men monoamine oxidase (MAO)-B oxy hóa thành 1-methyl-4-phenylpyridinium (MPP+).

MPP+ tích tụ trong ty lạp thể chứa ATP (mitochondria) và can thiệp vào chức năng hoạt động của men NADH dehydrogenase (complex I) của chuỗi hô hấp (respiratory chain: một chuỗi các phản ứng oxy hóa khử trong quá trình hô hấp tế bào).  MPTP có đặc tính hóa học giống với một số thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, điều này cho thấy rằng chất độc hại ở môi trường giống MPTP có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson, nhưng vẫn chưa có tác nhân cụ thể nào được xác định.  Tuy nhiên, trong cơ thể của những người bị bệnh Parkinson, hoạt động của men complex I bị suy giảm, cho thấy một hành lang phổ biến của bệnh Parkinson do thuốc MPTP gây ra.

Giả Thuyết Oxy Hóa

Giả thuyết oxy hóa (oxidation hypothesis) cho thấy rằng sự hủy hoại của gốc tự do, từ quá trình oxy hóa dopamine, đóng một vai trò trong sự phát triển hoặc diễn biến của bệnh Parkinson.  Quá trình oxy hóa dopamine bởi men monoamine oxidase (MAO) dẫn đến sự hình thành hydrogen peroxide (oxy già).  Thông thường, hydrogen peroxide sẽ được glutathione nhanh chóng loại bỏ, nhưng nếu hydrogen peroxide không được loại bỏ hoàn toàn, thì nó có thể hình thành các gốc tự do hydroxyl có độ hoạt tính cao và có thể peroxy hóa (peroxidation) các chất lipit của màng tế bào, gây hủy hoại tế bào.  Đối với những người bị bệnh Parkinson, hàm lượng glutathione bị giảm xuống, đánh mất nguồn bảo vệ chống lại sự hình thành các gốc tự do.  Chất sắt gia tăng trong substantia nigra (khối tế bào hình liềm màu đen) và có thể là một nguồn cho đi electron, do đó thúc đẩy quá trình hình thành các gốc tự do (free radical).

Bệnh Parkinson được xem có liên quan đến tình trạng thay đổi chất dopamine một cách đột ngột, các cơ chế bảo vệ bị suy giảm (glutathione), hàm lượng sắt tăng cao (một phân tử hỗ trợ oxy hóa), và chứng cứ gia tăng quá trình peroxy hóa lipit(lipid peroxidation).  Giả thuyết này đã làm tăng sự lo ngại cho rằng sự thay đổi đột ngột dopamine do sử dụng thuốc levodopa có thể thúc đẩy sự hủy hoại của quá trình oxy hóa và tăng tốc tiến trình mất đi các tế bào thần kinh phóng thích dopamine.  Tuy nhiên, chưa có chứng cứ rõ ràng cho thấy rằng thuốc levodopa làm tăng tiến trình bệnh.


Nguồn bổ sung:
















0 comments:

Post a Comment