CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Sau bệnh cúm và cảm lạnh, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) là vấn đề gây than phiền phổ biến nhất trong số các phụ nữ chưa mãn kinh. Bệnh này thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Đa số phụ nữ sẽ phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, và nhiều trường hợp sẽ bị tái phát bệnh.
Các Yếu Tố Nguy Cơ Cụ Thể ở Phụ Nữ
Cấu Trúc Đường Tiết Niệu của Phụ Nữ. Thông thường, lý do phụ nữ có nguy cơ cao phần lớn là do niệu đạo của họ có kích thước ngắn, khoảng 1,5 inch (3,8 cm), còn nam giới là 8 inch (20,3 cm). Các vi khuẩn từ phân ở cửa hậu môn có thể dễ dàng lan truyền đến cửa niệu đạo.
Kidney: Thận
Renal pelvis: Bể thận
Ureter: Niệu quản
Urethra: Niệu đạo
Hệ thống tiết niệu của nam giới và phụ nữ tương đối giống nhau ngoại trừ chiều dài của niệu đạo.
Hành Vi Tình Dục. Sinh hoạt tình dục mới đây hoặc sinh hoạt tình dục thường xuyên là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ trẻ. Khoảng 80% trong số tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu ở các phụ nữ tiền mãn kinh xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ tình dục. Các phụ nữ không quan hệ tình dục (độc thân, không lập gia đình, đi tu) hiếm khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu KHÔNG phải là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infection).
Thông thường, chính những động tác trong lúc quan hệ tình dục sẽ tạo ra những vấn đề làm tăng khả năng dễ bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, với một số yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Các phụ nữ quan hệ tình dục lần đầu tiên hoặc những phụ nữ quan hệ tình dục thường xuyên và ở cường độ mạnh sau một thời gian không quan hệ tình dục sẽ có nguy cơ bị một chứng bệnh gọi là “viêm bàng quang trăng mật – honeymoon cystitis”.
- Tư thế quan hệ tình dục (chẳng hạn như người phụ nữ nằm ở trên) có thể góp phần tạo ra nguy cơ.
Barrier method – The diaphragm fits over the cervical opening, preventing sperm from entering the uterus: Phương pháp ngăn chặn - Một đĩa tránh thai (diaphragm) che cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng đi vào tử cung.
Đĩa tránh thai(diaphragm) là một dụng cụ làm bằng cao su dẻo chứa chất diệt tinh trùng và có thể tự đưa vào che cổ tử cung trước khi quan hệ tình dục. Dụng cụ này được giữ nguyên vị trí vài giờ sau khi quan hệ tình dục. Đĩa tránh thai được bác sĩ kê đơn đặt hàng đúng kích cỡ và có thể tốn kém hơn các phương pháp tránh thai khác, chẳng hạn như bao cao su (condom).
Một số dạng tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đặc biệt là, những phụ nữ sử dụng đĩa tránh thai (diaphragm) có khuynh hướng phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Vành cao su của đĩa tránh thai có thể gây tổn thương cho khu vực gần bàng quang, do đó dễ bị nhiễm vi khuẩn. Chất gel diệt tinh trùng được sử dụng trong đĩa tránh thai, và những bao cao su được bọc chất diệt tinh trùng, cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu. Đa số các chất diệt tinh trùng chứa nonoxynol-9, một chất hóa học được xem có liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mang Thai. Mặc dù việc mang thai không làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng (asymptomatic bacteriuria), nhưng mang thai thực sự làm tăng nguy cơ căn bệnh này sẽ tiến triển thành tình trạng nhiễm trùng thận hoàn chỉnh, do đó có thể gây sinh sớm và tạo ra các biến chứng nghiêm trọng khác trong thời gian mang thai. (Tuy nhiên trong thời gian đầu mang thai, việc đi tiểu thường xuyên – một triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu – là có khả nhiều khả năng do áp lực lên bàng quang). Vì lý do này, những phụ nữ mang thai nên được kiểm tra và điều trị cho tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng.
Mãn Kinh. Nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, cả hai trường hợp có triệu chứng và không triệu chứng, có tỷ lệ cao nhất ở các phụ nữ sau khi mãn kinh. Vấn đề này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt estrogen, mà nó sẽ làm mỏng màng trong đường tiết niệu và làm giảm khả năng đề kháng vi khuẩn. Vấn đề thiếu hụt estrogen còn có thể làm giảm số lượng các yếu tố miễn dịch trong âm đạo, mà các yếu tố này giúp ngăn chặn vi khuẩn E. coli kết bám vào các tế bào ở âm đạo.
Các vấn đề tiết niệu khác liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như không kiểm soát được việc đi tiểu (urinary incontinence), có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
Dị Ứng. Các phụ nữ bị dị ứng da với các thành phần trong xà phòng (xà bông), kem bôi âm đạo, các loại xà phòng tạo bọt cho nước tắm(bubble baths), hoặc các chất hóa học khác được dùng cho khu vực bộ phận sinh dục sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong các trường hợp này, các tình trạng dị ứng có khả năng gây thương tổn nhỏ, và sau đó có thể đưa vi khuẩn vào.
Sử Dụng Thuốc Kháng Sinh (Trụ Sinh). Thuốc kháng sinh (trụ sinh) thường tiêu diệt vi khuẩn có lợi lactobacilli cùng với các vi khuẩn gây hại. Điều này có thể làm cho vi khuẩn E. coli phát triển mạnh trong âm đạo.
Các Yếu Tố Nguy Cơ Cụ Thể ở Nam Giới
Nam giới trên 50 tuổi sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, độ tuổi này là thời điểm họ bắt đầu phát triển các rối loạn về tuyến tiền liệt (prostate gland: nhiếp hộ tuyến). Tăng sản tế bào tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia - BPH), tình trạng gia tăng kích thước tuyến tiền liệt, có thể làm tắc nghẽn đường tiết niệu, do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ở nam giới, các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát cũng có liên quan đến chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt (prostatitis). Mặc dù chỉ có khoảng 20% các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở nam giới, nhưng các trường hợp nhiễm trùng này có thể tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn so với ở phụ nữ. Nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nhiều khả năng nhập viện hơn so với phụ nữ.
Các Yếu Tố Nguy Cơ Cụ Thể ở Trẻ Em
Mỗi năm, có khoảng 3% số trẻ em ở Hoa Kỳ phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong vài tháng đầu tiên ra đời của các trẻ, các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra phổ biến ở trẻ nam hơn so với trẻ nữ. Vào thời điểm được 1 tuổi, các trẻ nam không được cắt bao quy đầu (uncircumcised) có khả năng phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu gấp 10 – 12 lần so với các trẻ nam được cắt bao quy đầu. Sau 2 tuổi, các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu trở nên phổ biến hơn ở các trẻ nữ. Trong suốt thời thơ ấu, nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nam là 2% và trẻ nữ là 8%. Cũng giống như người trưởng thành, vi khuẩn E. coli là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em.
Trào Ngược Nước Tiểu Từ Bàng Quang Lên Niệu Quản. Tình trạng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản (vesicoureteral reflux - VUR) ảnh hưởng đến khoảng 10% trong số tất cả trẻ em và là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em. Tình trạng này cũng làm cho trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
Thông thường, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, các cơ ở thành bàng quang sẽ co bóp, làm cho nước tiểu đi ra khỏi cơ thể qua một ống có tên là niệu đạo (urethra). Có một cơ chế hoạt động giống như van, trong đó niệu quản nối với bàng quang (bọng đái). Chức năng của van này là giữ cho nước tiểu không bị trào ngược vào thận khi các cơ ở bàng quang co bóp. Nếu van này không hoạt động đúng chức năng, nước tiểu có thể ứ lại trong bàng quang, ở đó vi khuẩn có thể sẽ phát triển. Tình trạng nước tiểu chảy ngược cũng có thể mang theo những vấn đề nhiễm trùng ở bàng quang lên thận.
Bladder: Bàng quang (bọng đái)
Ureter: Niệu quản
Kidney: Thận
Direction of urine flow: Hướng di chuyển của nước tiểu
Muscle wall of bladder: Thành cơ của bàng quang
Ureter opening into bladder: Niệu quản nối vào bàng quang
Niệu quản mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (bọng đái) qua thành bàng quang. Ở chỗ nối với bàng quang, có một van đóng mở có tác dụng ngăn ngừa nước tiểu chảy ngược lên niệu quản và thận.
Ở một số trẻ em, các van này có thể không bình thường hoặc các niệu quản nối với bàng quang có thể không kéo dài đủ sâu vào thành bàng quang, do đó có thể gây trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản. Đây là một tình trạng cho phép nước tiểu chảy ngược lên niệu quản và thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Tình trạng trào ngược nước tiểu làm cho niệu quản và thận có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và bị áp lực lớn do bàng quang tạo ra trong lúc đi tiểu. Nếu không được chữa trị, các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây hủy hoại thận, chai thận (renal scarring), và cao huyết áp lúc về già.
Chứng trào ngược nước tiểu từ bàng quang vào niệu quản được chữa trị bằng thuốc kháng sinh (trụ sinh), hoặc, trong các trường hợp nghiêm trọng, được chữa trị bằng phẫu thuật.
Nhập Viện, Đặt Ống Thông, và Nguy Cơ Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu
Nhập Viện. Có khoảng 40% trong số tất cả các trường hợp nhiễm trùng phát triển ở các bệnh nhân đang nằm viện là ở đường tiết niệu. Các sinh vật gây nhiễm trùng ở bệnh viện (được gọi là nhiễm trùng ở bệnh viện – nosocomial infection) thường không giống với các sinh vật gây nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường. Các sinh vật gây nhiễm trùng ở bệnh viện cũng có nhiều khả năng kháng lại các loại thuốc kháng sinh (trụ sinh) tiêu chuẩn. Các bệnh nhân đang nằm viện mà có nhiều nguy cơ bị các trường hợp nhiễm trùng này nhất chính là những người được đặt ống thông tiểu, các bệnh nhân tiếp nhận các tiến trình phẫu thuật đường tiết niệu, những người đàn ông cao tuổi nằm viện lâu ngày, và các bệnh nhân có các chứng bệnh nghiêm trọng.
Ống Thông. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do ống thông (catheter). Thời gian các ống thông được đặt trong cơ thể càng lâu, thì nguy cơ vi khuẩn phát triển và trở nên nhiễm trùng càng cao. Đa số trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông gây ra không thấy xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, do nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, bất kỳ ai yêu cầu được đặt ống thông phải được kiểm tra để xem xét dấu hiệu bị nhiễm trùng. Các ống thông chỉ nên được sử dụng khi cần thiết và được lấy ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.
Nhà Điều Dưỡng (Nursing Home). Tất cả những người cao tuổi mất khả năng di chuyển, được đặt ống thông, hoặc bị mất nước sẽ có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Những bệnh nhân ở nhà điều dưỡng, đặc biệt những người mất khả năng kiểm soát nước tiểu, có nguy cơ rất cao. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu ở các bệnh nhân và những người được chăm sóc ở nhà điều dưỡng thường không dễ phát hiện.
Các Chứng Bệnh Làm Tăng Nguy Cơ Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu
Bệnh Tiểu Đường. Bệnh tiểu đường (diabetes: bệnh đái tháo đường) làm cho phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu đặc biệt cao hơn. Thời gian một người phụ nữ bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) càng lâu, thì nguy cơ bị nhiễm trùng càng tăng. (Biện pháp kiểm soát lượng đường trong máu xem ra không hiệu quả đối với chứng bệnh nhiễm trùng này). Nguy cơ bị các biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến nấm, cũng cao hơn ở những người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường).
Các Vấn Đề về Thận. Hầu như bất kỳ chứng rối loạn nào về thận, bao gồm sỏi (sạn) thận, cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng.
Rối Loạn Bàng Quang Do Thần Kinh (Neurogenic Bladder). Một số rối loạn ở não và thần kinh có thể ảnh hưởng các dây thần kinh ở bàng quang và gây ra các vấn đề về khả năng bài thoát của bàng quang và khả năng kiểm soát tình trạng rò rỉ nước tiểu. Bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), đột quỵ(stroke: tai biến mạch máu não), tổn thương tủy sống, và bệnh thần kinh do tiểu đường(diabetic neuropathy) là các ví dụ điển hình.
Chứng Thiếu Máu Tế Bào Hình Liềm. Các bệnh nhân với chứng thiếu máu tế bào hình liềm (sickle-cell anemia) đặc biệt có nhiều nguy cơ bị tổn thương thận, và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu làm cho họ có nhiều nguy cơ hơn.
Các Rối Loạn của Hệ Miễn Dịch. Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, (chẳng hạn như những người bị HIV/AIDS, hoặc những người đang tiếp nhận trị liệu ung thư), có nhiều nguy cơ bị tất cả các dạng nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm nhu mô và bể thận (pyelonephritis).
Các Cấu Trúc Bất Thường Của Đường Tiết Niệu. Một số người có các cấu trúc bất thường ở đường tiết niệu, làm cho nước tiểu ứ đọng hoặc chảy ngược vào phần trên của đường tiết niệu (niệu quản và thận). Tình trạng sa bàng quang qua thành âm đạo (prolapsed bladder, cystocele) có thể dẫn đến hiện tượng đi tiểu không hết, làm cho nước tiểu bị ứ lại, tạo môi trường phát triển cho các vi khuẩn. Các túi nhỏ li ti được gọi là diverticula thỉnh thoảng phát triển bên trong thành niệu đạo (urethra) và có thể chứa nước tiểu và các sản phẩm thải, làm tăng thêm nguy cơ bị nhiễm trùng.
0 comments:
Post a Comment